Thực tế, thế giới có 2 nước mang tên Congo đang tồn tại: Cộng hòa Congo (hay còn gọi là Congo Brazzaville) và Cộng hòa Dân chủ Congo (hay còn gọi là Congo Kinshasa). Tất nhiên, người dân ở hai quốc gia này đều đón năm mới như bao nước khác trên thế giới.

Tại Congo Brazzaville, người dân đón Tết rộng rãi. Hàng năm, đến ngày này, người lớn và trẻ em đều nghỉ học, nghỉ làm. Các gia đình quây quần bên nhau, nhảy múa, hát hò để tiễn biệt năm cũ. Ngoài Tết, họ cũng đón những ngày lễ lớn khác như Phục Sinh và Noel.

Bao giờ đến Tết Congo?-1
Congo Kinshasa cũng có năm mới theo lịch như bao quốc gia khác trên thế giới nhưng người dân phải chờ rất nhiều năm mới có thể ngắm pháo hoa một lần. Ảnh: United Nations.

Trong khi đó, tại Congo Kinshasa, đất nước láng giềng có chung đường biên giới với Congo Brazzaville và cùng trong khối Cộng đồng Pháp ngữ, người dân phải chờ 50 năm mới có thể ngắm pháo hoa đón Tết một lần.

Tuy là một quốc gia rộng lớn và đông dân ở Trung Phi nhưng Congo Kinshasa lại là nước nghèo đói và lạc hậu nhất nhì lục địa đen. Suốt nhiều thập kỷ, Congo Kinshasa luôn thuộc top 10 quốc gia nghèo nhất thế giới.

Nguyên nhân đến từ hơn một thế kỷ thuộc Bỉ, khủng hoảng chính trị, xung đột và chuyển tiếp. Bên cạnh đó, tình trạng thất nghiệp, y tế, giáo dục chưa được đầu tư dẫn đến sự trì trệ trong phát triển kinh tế.

Song, Tết ở đất nước này thực sự là một ngày hội lớn với không khí hân hoan. Sau nửa thế kỷ chờ đợi, công dân Congo Kinshasa nô nức trang hoàng nhà cửa và thả mình vào những bữa tiệc dài lê thê suốt 3 tháng.

Người ta đưa ra nhiều lý do để giải thích cho kiểu đón năm mới có một không hai này. Một số người cho rằng đây là nét văn hóa đặc trưng và lâu đời của người Congo Kinshasa. Một số khác cho rằng nội chiến liên miên và đói nghèo là rào cản buộc người dân nơi đây phải kiên nhẫn "đợi đến Tết Congo".

Dù những năm bình thường không đón Tết, người dân nước này vẫn tổ chức một số ngày lễ quan trọng khác như Quốc khánh (ngày 30/6), Ngày của cha (ngày 1/8) hay Ngày tuổi trẻ (14/10).

Theo Zing