Cây viết Kalyn Corrigan của trang Bloody-disgusting đưa ra cái nhìn thú vị về bối cảnh quay tại Việt Nam. Ông ví bộ phim như một lời bình luận thông minh về chiến tranh và sự phi lý của xâm lược khi những cây súng tìm cách tiến vào vùng lãnh thổ của dân tộc khác. Trong phim, rốt cục họ đã phải chịu lấy thất bại ê chề khi tìm cách khám phá Đảo Đầu Lâu của Vua Khỉ.
Nhiều nhà phê bình đã bình phẩm về bối cảnh của phim vào năm 1973, chỉ vài ngày sau khi Hiệp định Paris được ký kết. James Conrad(Tom Hiddleston) được tuyển dụng bởi Bill Randa (John Goodman) và Houston Brooks (Corey Hawkins) đi tới du lịch và khám phá Đảo Đầu Lâu, một vùng đất ở biển Thái Bình Dương chưa từng ai đặt chân đến cũng như mới xảy ra hàng loạt những hiện tượng kỳ bí.
Kong: Skull Island mang tới cảm giác choáng ngợp cho người xem
Nhưng ngay lập tức những ý niệm về yếu tố chính trị trong phim được quên đi, mà thay vào đó là những ấn tượng đầu tiên về không khí đậm mùi phiêu lưu kịch tính của dòng phim quái vật, vốn được biết đến qua serie phim Công viên kỷ Jura.
Peter Bradshaw của tờ The guardian miêu tả: “Nằm sâu trong khu rừng xa xôi, những đầm lầy, bụi rậm, ngóc ngách nơi nuôi dưỡng những con quái vật khổng lồ khủng khiếp chưa từng tắm nắng mặt trời. Hãy chạy đi vì mạng sống của bạn. Đó là một con gà tây cao 30 mét, kêu quang quác và đẻ ra những quả trứng khổng lồ”.
Cây bút thậm chí còn ví những gì Kong: Skull Island mang đến khiến mình như đến một bản nhạc mashup (hòa trộn giữa 3 bộ phim Jurrasic Park, Apocalypse Now và Miss Saigon.
Tuy nhiên, Peter Bradshaw cũng cho rằng, các nhà làm phim đã “tiết lộ” hình dáng của Kong quá sớm, khiến cho khán giả mất hồi hộp khi được chứng kiến vẻ khổng lồ của con vật vốn được giấu kín kẽ ở những phần phim trước đó.
Cảnh Kong giao chiến với loài người
Alex Welch của trang ign thích thú khi nói về hình tượng của Kong trong phim. Nó thú vị hơn hẳn con vượn khổng lồ từng trèo nên nóc tòa nhà Empire State ở New York trong các phần phim trước.
Kong: Skull Island đưa khán giả về Đông Nam Á những năm 1970, không có tòa nhà Empire State nào trong khu vực này và rõ ràng với chiều cao hơn 213 mét của mình, Kong quá vĩ đại.
“Đó là một sinh vật nguy hiểm, nhưng suy nghĩ đầu tiên của bạn khi thấy tầm cao của Kong, nó giống như một vị thần”, chính đạo diễn Jordan Vogt-Robert chia sẻ như vậy khi nhận xét về tầm vóc của Kong trong phim của mình.
Với một loạt những trailer kịch tính mà nhà sản xuất tung ra trước đó, trong phim, Kong hiện ra là một quái vật quá mạnh và những chiếc trực thăng nhóm người dùng để đổ bộ lên Đảo Đầu Lâu trở nên yếu đuối đến cùng cực.
Súng đạn, bom và lửa chỉ làm cho Kong thêm gào thét và quật ngã đối thủ nhanh hơn. Những hình ảnh chiến đấu của Kong với các quái vật trong phim càng thúc đẩy trí tò mò của người xem về màn đối đầu huyền thoại giữa 2 quái vật nổi tiếng nhất màn ảnh rộng là Godzilla và King Kong trong bom tấn dự kiến sẽ ra mắt vào năm 2020.
Trên trang Hollywood Reporter, Todd McCarthy nhận định Kong: Skull Island là một tác phẩm mang tính giải trí cao, yếu tố kịch tính, giật dân, kinh dị và ngay cả những khung hình thiên nhiên hoang dã được khai thác ở mức vừa đủ, khiến khán giả mãn nhãn và có thể hài lòng với một tác phẩm thuộc dòng phim về quái vật.
Tom Hidleston bị chê là quá bảnh bao với dòng phim quái vật
Tuy nhiên cũng có nhiều ý kiến đánh giá tiêu cực về Kong: Skll Island. Trên trang CineVue có đăng tải bài bình luận của Daniel Green. Anh cho rằng bộ phim là một tác phẩm không cần thiết, chứa đựng nhiều tình tiết phi logic.
Đồng quan điểm, nhà bình luận Chris Stuckmann cho rằng nếu xét về mặt giải trí thì những đại cảnh hoành tráng và phân đoạn giao chiến giữa Kong với nhóm sinh vật kỳ dị đã đạt hiệu quả cao. Nhưng khi xâu chuỗi lại thì toàn bộ phim lại mang tới cảm giác trống rộng, không có điểm nhấn.
Tom Hidleston sắm vai chính nhưng nhiều người cho rằng anh có phần…quá bảnh bao, đến mức người ta cho rằng nhân vật của anh không phải là người hùng chống lại quái vật. Một số quan điểm khác cũng cho rằng, Kong: Skull Island mang nhiều phong cách siêu anh hùng kiểu Marvel ở cuối phim. Nó cho người ta có cảm giác được xem lại Godzilla, bom tấn từng làm mưa làm gió tại phòng vé hồi 2014.
Kong: Skull Island sẽ ra mắt khán giả Việt Nam từ 10/3 và được dán nhãn C13 – không dành cho trẻ em dưới 13 tuổi.
Theo Dân Việt