Theo Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, đến 7h sáng nay (4/10), vị trí tâm bão Koinu ở vào khoảng 22,1 độ Vĩ Bắc; 123,7 độ Kinh Đông, trên vùng biển phía Đông Nam đảo Đài Loan (Trung Quốc), cách phía Nam đảo Đài Loan khoảng 300km về phía Đông Đông Nam.
Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 14 (150-166km/h), giật cấp 17, di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, với tốc độ khoảng 10km/h.
Vị trí và đường đi của bão Koinu. (Nguồn: NCHMF)
Dự báo trong 24-48h tới, bão giữ nguyên hướng và tốc độ di chuyển. Khoảng 7h sáng mai (5/10), tâm bão trên khu vực phía Nam Đài Loan. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão ở cấp 13, giật cấp 16.
Đến 1h ngày 6/10, tâm bão Koinu cách Phúc Kiến (Trung Quốc) 270km về phía Đông Đông Nam, sau đó di chuyển vào Biển Đông và suy yếu dần. Sức gió mạnh nhất cấp 11-12, giật cấp 15.
Trong 24 giờ sau đó, bão Koinu di chuyển theo hướng Tây với tốc độ khoảng 10km/giờ trên vùng biển phía Đông Nam tỉnh Quảng Đông (Trung Quốc) với sức gió cấp 9, giật cấp 11 và suy yếu dần.
Từ 72 đến 120 giờ tiếp theo, bão di chuyển chủ yếu theo hướng Tây Tây Nam, mỗi giờ đi được khoảng 5km, cường độ tiếp tục suy yếu thêm.
Do ảnh hưởng của bão Koinu, thời tiết vùng biển phía Đông Bắc của khu vực Bắc Biển Đông có gió mạnh cấp 6-7, sóng biển cao 2-4m; từ đêm nay mạnh lên cấp 8-10, vùng gần tâm bão đi qua cấp 11-12, giật cấp 15; biển động dữ dội; sóng biển cao 4-6m, vùng gần tâm bão sóng cao 6-8m.
Cũng trong ngày và đêm nay, ở vùng biển phía Đông của khu vực Giữa Biển Đông, vùng biển từ Cà Mau đến Kiên Giang và vịnh Thái Lan có mưa rào và giông. Trong mưa giông có khả năng xảy ra lốc xoáy và gió giật mạnh cấp 6-7.
Toàn bộ tàu thuyền và các hoạt động khác tại các vùng biển trên đều có nguy cơ cao chịu tác động của gió mạnh, sóng lớn.
Ngoài ra, trên đất liền, chiều và đêm nay, khu vực từ Quảng Trị đến Phú Yên, Tây Nguyên và Nam Bộ có mưa rào và giông rải rác, cục bộ có mưa vừa, mưa to với lượng mưa 10-30mm, có nơi trên 50mm (thời gian mưa tập trung vào chiều và tối). Trong mưa giông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.
Mưa lớn cục bộ có khả năng gây ra tình trạng ngập úng tại các vùng trũng, thấp và nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất tại khu vực vùng núi.
Theo VietNamNet