Thời gian qua, đã có sự gia tăng đáng kể cả về số lượng và tính chất nghiêm trọng của các vụ bạo lực học đường. Điều đáng lo ngại, bạo lực học đường xảy ra không chỉ giữa học sinh với học sinh mà nghiêm trọng hơn còn xảy ra giữa thầy, cô giáo với học sinh.
Từ vụ giáo viên túm áo kéo lê nữ sinh chỉ vì học sinh đặt nhầm bánh gato không đúng ý cô, đến vụ thầy giáo tiếng Anh xưng “bố - mày”, sỉ nhục nam sinh với những lời lẽ phản giáo dục và vụ giáo viên căng thẳng với phụ huynh quay ra dọa đuổi học con phụ huynh… Liên tiếp những vụ việc xảy ra cùng lúc với câu chuyện lạm thu đầu năm học đang mỗi ngày một nóng hơn khiến dư luận không khỏi bất an về chốn học đường.
Nhiều ý kiến cho rằng, việc phát hiện và ngăn ngừa bạo lực học đường là rất cần thiết để trẻ có được môi trường học tập an toàn, hiệu quả; Việc cung cấp các kỹ năng và kinh nghiệm sống cần thiết sẽ giúp ích rất nhiều cho trẻ trong việc tự bảo vệ bản thân khỏi nguy cơ bạo lực trong trường học.
Các bậc phụ huynh cũng cần dành thời gian trò chuyện và đưa ra những bài học kinh nghiệm cho con, để nếu như vô tình con là nạn nhân của bạo lực học đường thì con biết nên trao đổi với ai, ứng xử như thế nào.
Thầy giáo chỉ tay vào mặt, dùng những lời lẽ xúc phạm học sinh. Ảnh cắt từ clip.
Theo TS. Nguyễn Tùng Lâm, Chủ tịch Hội đồng giáo dục Trường THPT Đinh Tiên Hoàng, Phó Chủ tịch Hội tâm lý giáo dục Việt Nam, các em học sinh ở lứa tuổi vừa trưởng thành về thể chất, tâm lý, trong quá trình phát triển thường có những sai lệch trong cách hành xử, giao tiếp, đối xử với bạn bè chưa chuẩn mực. Vậy nên việc mắc lỗi là không tránh khỏi.
Tuy nhiên cũng phải thẳng thắn chỉ ra một điều rằng, giáo dục hiện nay còn nặng về đại trà, chưa có các tiết dạy giáo dục về giá trị sống, kỹ năng sống, đạo đức lối sống một cách hiệu quả tác động đến học sinh. Điều mà chúng ta mong muốn là học sinh phải được giáo dục, có đủ kỹ năng sống, giá trị sống yêu thương, giá trị sống tôn trọng, giá trị sống khoan dung… có kỹ năng sống, biết thương lượng, trao đổi, biết giúp đỡ mọi người vượt qua mọi khó khăn, không kỳ thị, không mâu thuẫn thì khi đó bạo lực học đường sẽ giảm đi rất nhiều.
TS. Nguyễn Tùng Lâm quan ngại, hiện nay, bạo lực học đường không chỉ xảy ra ở học sinh mà có nhiều vụ xảy ra từ các thầy, cô giáo. Đáng buồn là nhiều thầy, cô có lời nói, hành động phản cảm, phản giáo dục và thiếu văn hóa ngay trên lớp học với học sinh của mình.
Chúng ta đã có văn hóa học đường, đạo đức nhà giáo, người thầy giáo “trí phải sáng, tâm phải an”, phải làm thế nào để công minh, linh hoạt, từ tấm lòng yêu thương học trò ấy sẽ làm giảm đi cơn giận của bản thân mình để có những phương pháp ứng xử chuẩn mực phù hợp. Không nên trút cơn giận lên đầu học trò, các nhà trường phải đào tạo để xây dựng đội ngũ nhà giáo thực sự tâm huyết, sáng tạo, thương yêu học sinh và là gương sáng cho học sinh noi theo.
TS. Nguyễn Tùng Lâm, Chủ tịch Hội đồng giáo dục Trường THPT Đinh Tiên Hoàng, Phó Chủ tịch Hội tâm lý giáo dục Việt Nam.
Mặt khác, các thầy, cô phải thực sự thương yêu học sinh, giúp học sinh phát triển về tâm lý, trí tuệ. Trong quá trình phát triển, học sinh có vấp phải sai lầm thì giáo viên phải là người có trách nhiệm dẫn dắt, giáo dục học sinh để các em vượt qua những khó khăn của tuổi trẻ và đi đúng hướng. Bởi thực tế, có nhiều giáo viên chỉ muốn học trò làm theo ý mình mà không tôn trọng học trò…
“Công tác về mặt tâm lý học đường phải làm cho tốt, cần chia sẻ, hướng dẫn học sinh, giáo dục giá trị sống, kỹ năng sống, giúp học sinh hiểu nhau, thân thiện với nhau, thầy cô giáo thân thiện với học trò, không có kỳ thị, đặt quyền lợi riêng lên trên quyền lợi chung, luôn có lòng bao dung, yêu thương con trẻ, tôn trọng bản thân mình, tôn trọng người khác.
Tôi tin rằng, chỉ cần có 3 giá trị đó trong cả học sinh và giáo viên thì sẽ không có bạo lực học đường. Cùng với đó, cả thầy và trò cần có kỹ năng ứng xử, giao tiếp văn minh, đúng mực; Công tác quản lý cũng phải linh hoạt, các thầy cô giáo quản lý học sinh khi nào, nhà trường quản lý giáo viên, học sinh của mình như thế nào, phải nắm được những biến động có thể xảy ra để có giải pháp xử lý kịp thời”, TS. Nguyễn Tùng Lâm cho hay.
TS. Vũ Thu Hương, chuyên gia giáo dục trăn trở, môi trường học đường hiện nay đang có rất nhiều vấn đề khiến chúng ta cảm thấy không được trong lành và không thực sự tốt cho sự phát triển của trẻ. So với cách đây 30-40 năm, môi trường giáo dục hiện nay đã thay đổi quá nhiều và thay đổi theo chiều hướng xấu.
Một trong những nguyên nhân có thể nhìn thấy được là lãnh đạo ngành đã không xây dựng được một môi trường thực sự ổn định cho giáo viên làm việc. Khi môi trường làm việc không được cải thiện thì sẽ nảy sinh bức xúc, sự không thoải mái và giáo viên có thể rơi vào trạng thái thiếu kiên nhẫn, không kiểm soát được hành vi, lời nói của chính mình, khi đó sẽ ảnh hưởng đến công tác giáo dục của giáo viên.
Do đó, để giáo dục được một con người thì cần phải hiểu về tâm sinh lý lứa tuổi, cần có các kỹ năng ứng phó, ứng xử cho từng tình huống.
TS. Vũ Thu Hương, chuyên gia giáo dục.
Bà Hương cũng chỉ ra nguyên nhân nữa dẫn đến các vụ bạo lực học đường ngày càng nhiều, đó là hiện nay các gia đình quá chiều chuộng con cái, do chiều chuộng quá đà nên trẻ có hành vi, ứng xử và lời nói thiếu chuẩn mực, dễ gây áp lực cho giáo viên, khi giáo viên lên tiếng về hành vi của trẻ thì đôi khi chính họ lại gặp phải sự phản ứng dữ dội từ phía phụ huynh. Điều này khiến giáo viên cảm thấy nản lòng, không thiết tha với công việc của mình, do vậy dẫn đến sự thiếu kiên nhẫn trước con trẻ.
Điều đáng lo ngại là khi mọi vụ việc được đưa lên mạng hội thì cộng đồng mạng đổ xô vào soi xét, phán xử và có những lời lẽ không hay với giáo viên. Câu chuyện này dẫn đến tình trạng có nhiều giáo viên thay vì nhận lỗi, thay vì tự soi xét lại chính bản thân mình thì họ đã tìm cách đổ lỗi cho người khác, đổ lỗi cho hoàn cảnh và tìm mọi cách để trấn áp thay vì thu phục.
Do đó, có thể thấy, nhiều vụ việc càng ngày càng trở nên nghiêm trọng hơn, thậm chí giáo viên cũng có nhiều chiêu trò hơn để tránh né trách nhiệm của mình. Cách ứng xử như vậy đã khiến cộng đồng mạng cũng như xã hội cảm thấy thiếu niềm tin. Khi họ thiếu niềm tin vào ngành giáo dục, thiếu niềm tin về giáo viên thì mối quan hệ giữa phụ huynh - giáo viên sẽ càng ngày càng thêm căng thẳng, không có tiếng nói chung. Khi ấy môi trường học đường sẽ trở nên hỗn loạn.
TS.Vũ Thu Hương cho rằng, để hạn chế đến mức thấp nhất các vụ bạo lực học đường, cần tăng cường tập huấn cho giáo viên về kỹ năng ứng phó, ứng xử trong từng tình huống; Cần giảm bớt giờ học, cần cắt giảm đến mức tối đa những giờ học không cần thiết; Học sinh cần nhiều hơn những hoạt động vui chơi, giải trí và thể thao, bởi chính sự dư thừa năng lượng từ những đứa trẻ cũng có thể là nguyên nhân gây ra những bức xúc cho giáo viên và dẫn đến mâu thuẫn.
“Chúng ta cần nghiên cứu lại các chế độ học tập và phát triển cũng như là thể dục thể thao, giải trí của trẻ. Tôi chưa thấy một đất nước nào mà trẻ em phải học nhiều như ở Việt Nam, những đứa trẻ từ nhỏ đến lớn, các con phải học 8-9 tiếng thậm chí hơn 10 tiếng/ngày. Trong khi đó các con cần rất nhiều những hoạt động khác để vui chơi, giải trí và giảm bớt năng lượng.
Điều này cần thực hiện nghiêm túc để đem lại môi trường thoải mái, dễ chịu nhất cho trẻ, khi đó những mâu thuẫn giữa nhà trường và giáo viên, học sinh sẽ giảm đi rất nhiều và như vậy các con sẽ có được quãng tuổi thơ hết sức tươi đẹp”, TS.Vũ Thu Hương chia sẻ.
Theo VOV