Mỗi khi bão đổ bộ vào Hải Phòng, biển Đồ Sơn xuất hiện những cột sóng cao hơn 10 mét, gây thiệt hại không nhỏ đối với cơ sở hạ tầng. Ảnh: Giang Chinh |
Ngày 26/7, Phó chủ tịch Hải Phòng Lê Khắc Nam cho biết, thành phố đã phát công điện khẩn vào cuối giờ chiều yêu cầu các cơ quan, đơn vị triển khai phòng chống bão Mirinae, kêu gọi tàu thuyền, ngư dân…vào bờ tránh bão.
Các đồn biên phòng đã kiểm đếm, thông báo cho hơn 2.500 phương tiện tàu thuyền với gần 7.800 lao động cùng hàng nghìn chủ lồng bè, phương tiện... hướng di chuyển của bão để chủ động phòng tránh. Hiện còn hơn 1.000 phương tiện tàu thuyền chưa vào bờ.
Theo thiếu tá Nguyễn Bá Ngọc, Phó Đồn biên phòng Cát Bà, các phương tiện đánh cá ngoài khơi đang trên đường về đất liền trong đêm nay và ngày mai, một số nhà hàng, lồng bè nuôi cá trên biển cũng bắt đầu chằng buộc, kéo về nơi neo đậu.
“Theo dự báo, ngày 27/7 bão ảnh hưởng trực tiếp đến huyện đảo Bạch Long Vĩ. Nếu các chủ phương tiện tàu, thuyền, lồng bè, nhà nổi cố tình không di chuyển, lực lượng biên phòng sẽ cưỡng chế di dời", thiếu tá Ngọc nói.
Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn trung ương, 10h sáng nay áp thấp nhiệt đới đã mạnh lên thành bão, tên quốc tế là Mirinae (dải Ngân Hà). Đến 13h chiều, tâm bão cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 170 km về phía bắc với sức gió mạnh nhất 75 km mỗi giờ, tương đương cấp 8.
Mirinae được đánh giá có cường độ nhỏ, nhưng sẽ gây mưa to ở nhiều khu vực Bắc Bộ. Tâm mưa được xác định là Quảng Ninh, Hải Phòng, Lạng Sơn, Hà Giang... với tổng lượng mưa cả đợt 200-300 mm, có nơi 400 mm.
Hà Nội được khuyến cáo cần đề phòng ngập úng; vùng núi tránh lũ quét, sạt lở. Thanh Hóa, Nghệ An sẽ có mưa 100-200 mm.