Vừa qua, tại một livestream, nghệ sĩ ưu tú Bảo Quốc đã tâm sự về chuyện nghề.
Bảo tôi dạy diễn hài tôi chẳng biết dạy làm sao
Tôi may mắn được sinh ra trong một gia đình nghệ thuật truyền thống. Trên sân khấu đoàn Thanh Minh Thanh Nga ngày đó có rất nhiều cây đại thụ trong nghề như bác Năm Châu, bác Ba Vân, má Phùng Há… Thế hệ kế tiếp có anh Thành Được, chị Thanh Nga…
Bảo Quốc và Thanh Nga hồi trẻ.
Họ rất giỏi và ngay từ nhỏ tôi đã được xem họ diễn để ăn cái máu nghệ thuật vào sâu trong người mình.
Đoàn Thanh Minh Thanh Nga ngày đó có rất nhiều nghệ sĩ diễn hài và tôi từ bé đã thích các vai hài hơn chính kịch. Tôi cũng được vào vai con trai của nhân vật nên có cơ hội diễn chung với các nghệ sĩ ấy và được họ hướng dẫn, chỉ dạy.
Trong những nghệ sĩ tiền bối đó, tôi thích nhất cách diễn của bác Ba Vân, vào khoảng thập niên 50, 60. Cách diễn này ăn sâu vào con người tôi. Bản thân tôi cũng được bác chỉ dạy.
Chính vì thế, tôi chịu ảnh hưởng nhiều từ phong cách diễn của bác Ba Vân. Đến giờ, trong tôi phải có đến 5, 6 phần của bác Ba Vân.
Các đệ tử của bác Ba Vân sau này đều rất nổi tiếng, trong đó có danh hài Thanh Việt, tên tuổi vang dội khắp Việt Nam. Anh Thanh Việt cũng là đàn anh của tôi.
Nhưng nói dạy là một chuyện, cái hài vẫn phải là năng khiếu bẩm sinh, có sẵn trong máu. Nhiều người bảo tôi dạy diễn hài nhưng tôi chẳng biết dạy làm sao. Dạy xong lại thành một phiên bản của tôi thì chết.
Bảo Quốc và danh hài Thúy Nga.
Diễn ba lần mà vô duyên là thôi, tôi đi vào luôn
Diễn hài rất khó, cần có phong cách, lối diễn của riêng mình và cái này thì không ai dạy được. Trên sân khấu, diễn hài khó hơn diễn bi gấp trăm lần.
Ví dụ, khi diễn bi kịch, chỉ cần tiếng đàn dâng lên, người nghệ sĩ cứ thế diễn rồi khán giả trôi theo cảm xúc buồn là thành công.
Thế nhưng, khi diễn hài thì khán giả phải cười thành tiếng mới là thành công, cười nhếch mép cũng là thất bại.
Tôi thì là người may mắn khi chưa gặp phải tình trạng diễn một miếng hài mà khán giả không cười.
Tuy nhiên, tôi cũng có cách diễn của riêng mình. Mỗi khi tôi quăng ra một mảng miếng hài nào đó, tôi vẫn hi vọng khán giả cười, nhưng nếu không cười cũng không sao. Tôi không bị mất tinh thần vì những tình huống đó.
Bảo Quốc và vợ.
Ngược lại, nếu khán giả cười thì tôi sẽ chú ý để lần sau cứ nhấn vào như thế, còn nếu khán giả không cười thì tôi bỏ. Tôi không được phép mất tinh thần vì như thế sẽ mất lòng khán giả đến xem.
Tôi phải giữ vững tinh thần để diễn tiếp cho hay hơn. Mất tinh thần sẽ khiến diễn vô duyên. Diễn ba lần mà vô duyên là thôi, tôi đi vào luôn.
Đặc biệt, diễn hài mà khiến khán giả đi về nhà ngẫm lại, thấm rồi cười một mình thì mới là thành công lớn nhất.
Theo Pháp Luật & Bạn Đọc