Tháng 7 âm lịch có nên bao sái ban thờ không?
Đây được xem là câu hỏi phổ biến trong thời điểm tháng 7 âm lịch đang đến gần, rất nhiều người cho rằng đây là khoảng thời gian âm khí hoạt động mạnh mẽ nên tránh động chạm đến những việc tâm linh là tốt nhất.
Thế nhưng, không hẳn là như vậy, việc bao sái ban thờ chúng ta hiểu nôm na đó là làm vệ sinh cho không gian thờ tự của gia đình.
Việc con cháu lau bụi bặm trên ban thờ để giữ gìn không gian linh thiêng của căn nhà luôn trong trạng thái khang trang, sạch đẹp vừa thể hiện sự uy nghiêm, thiêng liêng mà còn thấu được tấm lòng thành kính của con cháu dành cho Tổ tiên.
Vậy nên việc bao sái, lau dọn ban thờ những ngày này là hoàn toàn đúng đạo. Ngược lại việc phớt lờ, loang toàng nơi thờ cúng mới đáng bị Thần linh, Tổ tiên quở phạt.
Khi bao sái ban thờ cần lưu ý không làm động ban thờ và động bát hương để tránh phạm phải "động âm".
Thời gian tiến hành bao sái ban thờ
Theo tín ngưỡng cũng như văn hóa của phương Đông thì bàn thờ chính là nơi để tưởng nhớ đến ông bà, những người đã khuất trong gia đình, cũng chính là nơi hiện diện của các bậc thần linh giúp mang lại may mắn cho gia đình.
Vì vậy, hiểu được cách lau dọn bàn thờ đúng cách và những điều kiêng kỵ khi lau bàn thờ là vô cùng quan trọng. Giúp tránh phạm vào những điều đại kỵ trong Phong Thủy.
Thời điểm tiến hành: Quý gia chủ nên chọn một ngày nửa cuối tháng 6 âm gia chủ tiện làm.
Trước khi bắt đầu, người dọn dẹp ban thờ phải tắm rửa sạch sẽ rồi thắp hương để “xin phép” thần linh và gia tiên, đọc “Văn khấn lau dọn ban thờ”.
Thực hiện thủ tục “xin phép” thần linh và gia tiên trước khi tiến hành bao sái ban thờ
Trước khi tiến hành, người dọn dẹp ban thờ phải tắm rửa sạch sẽ sắm lễ chu tất, rồi chọn giờ đẹp lên hương và đọc văn khấn để xin phép thần linh và gia tiên.
Sau hơn nửa tuần nhang thì mới có thể tiến hành bao sái bát hương và ban thờ.
Đồ dùng để bao sái ban thờ
Để tiến hành công việc bao sái ban thờ, bạn cần chuẩn bị nước ấm và khăn sạch. Không nên dùng nước lạnh hay rượu, cồn để bao sái ban thờ.
Để khiến việc bao sái đạt hiệu quả tối đa, các bạn nên sử dụng các loại nước chuyên dụng để lau dọn. Nếu chưa có điều kiện chuẩn bị thì cách tốt nhất là sử dụng nước ấm để lau dọn ban thờ cùng các đồ thờ cúng.
Quy trình lau dọn ban thờ
Khi lau dọn ban thờ, chú ý lau dọn từ trên cao xuống thấp. Nên tiến hành lau dọn bài vị thần linh trước rồi mới đến bài vị của tổ tiên và bát hương.
Cần đặc biệt lưu ý, tránh xê dịch tượng thần linh hay bát hương. Nếu gặp trường hợp buộc phải xê dịch thì sau đó phải làm lễ thắp hương và di chuyển về đúng vị trí như ban đầu.
Trong quá trình rút tỉa chân nhang, nên rút từng chút một cho tới khi số lượng chân hương trong bát hương còn lại ứng với các số lẻ. Thông thường là để lại 3, 5, 7 hoặc 9 chân hương cũ trong bát hương.
Lưu ý, khi bao sái ban thờ, không được vứt những đồ thờ không dùng đến hoặc những chân hương mới rút vào thùng rác hoặc nơi ô uế. Đối với những đồ vật này, bạn nên bọc vải đỏ hoặc để trong thùng cát tông kín rồi đem thả xuống sông.
Việc bao sái ban thờ tốt sẽ giúp xua tan tà khí, dễ dàng tích tụ linh khí, khiến việc thờ cúng được linh ứng hơn. Đây cũng là một việc bổ sung tốt cho yếu tố Thần Trợ giúp chúng ta có thể cải biến vận mệnh.
Tuy nhiên, để tiến trình cuộc sống trong tháng 7 bớt đi những điều xui xẻo, duy trì vận may thì chúng ta cần có những bước chuẩn bị kỹ lưỡng về cả 4 mặt của Phong Thủy là các yếu tố: Thiên thời - Địa lợi - Nhân hòa - Thần trợ.
* Thông tin chỉ mang tính chất tham khảo
Lệ Quyên
Theo Vietnamnet