Chiều 12/6, Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia cho biết áp thấp nhiệt đới trên khu vực phía nam đảo Hải Nam (Trung Quốc) đã mạnh lên thành bão. Trong năm nay, đây là cơn bão số 2 hoạt động trên Biển Đông, có tên quốc tế là Koguma.
Lúc 13h, vùng gần tâm bão có sức gió mạnh nhất cấp 8, giật cấp 10. Khu vực cách tâm bão 120 km sẽ có gió mạnh cấp 6, giật cấp 8 trở lên.
Chiều và tối nay, bão di chuyển theo hướng tây tây bắc với vận tốc 15-20 km/h và đi vào vịnh Bắc Bộ. 1h sáng 13/6, tâm bão nằm ngay trên vùng biển từ Hải Phòng đến Nghệ An. Sức gió mạnh nhất cấp 8 (60-75 km/h), giật cấp 10.
Sau đó, hình thái này giữ hướng di chuyển và vận tốc, đổ bộ đất liền các tỉnh, thành phố khu vực Đông Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ rồi suy yếu thành áp thấp nhiệt đới.
Bão sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến khu vực đồng bằng Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ, đặc biệt là các tỉnh ven biển: Hải Phòng, Quảng Ninh, Thái Bình, Nam Định, Thanh Hóa, Nghệ An.
Dự báo đường đi và vùng ảnh hưởng của bão số 2 chuẩn bị đổ bộ vào đất liền các tỉnh đồng bằng Bắc Bộ. Ảnh: VNDMS.
Chiều nay (12/6), vịnh Bắc Bộ (bao gồm cả huyện đảo Bạch Long Vĩ) có gió mạnh dần lên cấp 6-7, vùng gần tâm bão đi qua cấp 8, giật cấp 10. Sóng biển cao 3-5 m, biển động rất mạnh.
Ông Mai Văn Khiêm, Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, cho biết đặc điểm của cơn bão này là hoàn lưu rộng nên gây phạm vi gây mưa trải khắp từ Bắc Bộ xuống Bắc Trung Bộ.
Rạng sáng 13/6, khu vực đồng bằng Bắc Bộ và Thanh Hóa có gió mạnh dần lên cấp 6-7, vùng ven biển có nơi cấp 8, giật cấp 10.
Cơ quan khí tượng cho biết từ chiều 12/6 đến ngày 14/6, các tỉnh Bắc Bộ và khu vực từ Thanh Hóa đến Thừa Thiên - Huế có mưa lớn. Lượng mưa phổ biến 80-150 mm/đợt, có nơi trên 150 mm.
Riêng khu vực phía nam đồng bằng Bắc Bộ, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Hòa Bình, Sơn La, Phú Thọ, mưa có thể lên tới 150-250 mm/đợt, có nơi trên 350 mm.
Đáng lưu ý, từ chiều 12/6, ảnh hưởng của rìa phía tây áp thấp nhiệt đới khả năng mạnh lên thành bão khiến các tỉnh Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ và Trung Trung Bộ nguy cơ cao xảy ra dông, lốc, sét, gió giật mạnh.
Tại Hà Nội, mưa dông xuất hiện từ chiều 12/6 và kéo dài đến 14/6. Hiện tượng gió giật mạnh đi kèm trong cơn dông có thể làm gãy đổ cây xanh trên các tuyến phố. Ngoài ra, mưa lớn trong khoảng thời gian ngắn gây nguy cơ ngập cục bộ cho một số tuyến phố ở nội thành.
Chuyên gia khuyến cáo thời tiết mưa to và tình trạng ngập úng có thể ảnh hưởng đến sức khỏe, thời gian di chuyển của các thí sinh dự thi vào lớp 10 tại Hà Nội, đặc biệt vào thời điểm trước và sau giờ thi các ngày 13-14/6.
Theo Zing