Mưa lũ sau bão số 3 gây ra những thiệt hại nặng nề về người và tài sản đối với người dân.
Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia, bão số 3 sau khi đổ bộ đất liền đã gây mưa to đến rất to cho các tỉnh Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ. Lượng mưa đo được từ ngày 1/8 đến sáng 4/8 phổ biến từ 150-250mm.
Một số trạm mưa lớn như: Mường Lát (Thanh Hóa) 454mm, Quan Sơn (Thanh Hóa) 358mm, Quất Đông (Quảng Ninh) 394mm, Mẫu Sơn (Lạng Sơn) 339mm, Hưng Thi (Hòa Bình) 291mm…
Dự báo, hôm nay (4/8), ở Bắc Bộ và các tỉnh Bắc Trung Bộ tiếp tục có mưa to, tổng lượng mưa phổ biến 25-50mm/24 giờ, riêng khu vực vùng núi và trung du Bắc Bộ có mưa 40-80mm/24 giờ, có nơi trên 100mm. Từ ngày 5-6/8, khu vực vùng núi và trung du Bắc Bộ có mưa 40-80mm/24h, có nơi trên 100mm.
Mưa to đã khiến nước tại các sông suối dâng cao gây ngập úng những vùng trũng thấp, lũ quét, sạt lở đất ở vùng cao, gây ra nhiều thiệt hại về người và tài sản đối với người dân.
Văn phòng Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai báo cáo, tính đến sáng 4/8, bão số 3 đã khiến 2 người chết gồm anh Vàng A Lâu (huyện Mường Lát, tỉnh Thanh Hóa) và Bà Trần Thị Tư (huyện Chợ Mới, tỉnh Bắc Kạn); 13 người mất tích ở tỉnh Thanh Hóa (huyện Mường Lát 1 người, huyện Quan Sơn 12 người).
Ngoài ra, bão số 3 còn làm hư hỏng, cuốn trôi khoảng 250 ngôi nhà và 5 điểm trường ở tỉnh Thanh Hóa; hơn 350 con gia súc, gia cầm bị nước cuốn trôi; nhiều tuyến đường bị sạt lở, hư hỏng khiến giao thông bị ách tắc; gần 2.600ha cây trồng bị ngập úng…
Bộ Trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thông Nguyễn Xuân Cường – Phó Trưởng ban thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTT.
Sáng 4/8, tại Hà Nội, Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTT đã tổ chức họp chỉ đạo về công tác ứng phó và khắc phục hậu quả mưa lũ sau bão số 3. Bộ Trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thông Nguyễn Xuân Cường – Phó Trưởng ban thường trực Ban Chỉ đạo đã yêu cầu các địa phương tiếp tục huy động lực lượng, phương tiện tại chỗ, nỗ lực tìm kiếm những người còn mất tích.
Đồng thời, tăng cường lực lượng trực ban phòng chống bão, lũ; sẵn sàng phương án đảm bảo an toàn đê điều, hồ đập; triển khai phương án chống ngập úng tại đô thị; rà soát khu vực có nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất để có phương án ứng phó.
Tổ chức cắm biển cảnh báo; tuần tra, canh gác tại các ngầm tràn, các tuyến đường dễ xảy ra ngập, chia cắt; sẵn sàng lực lượng, phương tiện khắc phục sự cố các tuyến đường giao thông bị sạt lở.
Theo Danviet