Chiều 6/10, Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn quốc gia cho biết, bão Koinu (bão số 4) đã mạnh thêm một cấp trong những giờ qua, sau khi di chuyển vào vùng biển phía Đông Nam tỉnh Quảng Đông (Trung Quốc).
Cụ thể, lúc 16h, vị trí tâm bão cách Hồng Kông (Trung Quốc) khoảng 290km về phía Đông Đông Nam. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 12-13 (118-149km/h), giật cấp 16, di chuyển theo hướng Tây tốc độ khoảng 10km/h.
Với cường độ này, bão Koinu đang ở giai đoạn mạnh nhất trong suốt quá trình di chuyển trên Biển Đông.
Dự báo đường đi của bão Koinu trên Biển Đông chiều 6/10. (Ảnh: VNDMS).
Trong 24 giờ tới, bão tiếp tục giữ hướng đi và vận tốc, giảm dần cường độ. Đến 16h ngày 7/10, vị trí tâm bão cách Hồng Kông (Trung Quốc) khoảng 100km về phía Đông Nam. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão đạt cấp 11-12, giật cấp 15.
Từ 48 đến 72 giờ tiếp theo, bão đi dọc ven biển men theo đất liền Trung Quốc và chuyển hướng Tây Nam. Khi vào vùng biển phía Đông Bắc đảo Hải Nam (Trung Quốc) khoảng chiều 9/10, bão suy yếu thành áp thấp nhiệt đới với sức gió mạnh nhất cấp 7, giật cấp 9.
Từ 72 đến 96 giờ sau đó, áp thấp nhiệt đới di chuyển chủ yếu theo hướng Tây Nam, mỗi giờ đi được khoảng 10km và suy yếu dần.
Cơ quan khí tượng cảnh báo trong 24 đến 48 giờ tới, vùng biển phía Bắc của khu vực Bắc Biển Đông có gió mạnh cấp 7-10, vùng gần tâm bão đi qua mạnh cấp 11-13, giật cấp 16. Sóng cao 4-6m, có nơi 6-8m, biển động dữ dội. Toàn bộ tàu thuyền hoạt động trên khu vực này đều chịu tác động của gió bão mạnh.
Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng chống thiên tai đề nghị đơn vị chức năng các tỉnh, thành phố ven biển từ Quảng Ninh đến Khánh Hòa theo dõi chặt chẽ diễn biến của bão.
Các chuyên gia khí tượng nhận định, do tương tác với không khí lạnh từ phương Bắc nên dự báo diễn biến bão số 4 còn phức tạp, khó lường, cần cập nhật các bản tin dự báo mới nhất.
Trên đất liền, từ chiều tối nay (6/10) đến sáng mai, khu vực Bắc Bộ xuất hiện mưa rào và giông, riêng vùng núi và trung du có mưa vừa, có nơi mưa to đến rất to với lượng mưa 20-50mm, có nơi trên 100mm.
Chiều và đêm mai, mưa mở rộng ra khu vực từ Thanh Hóa đến Quảng Bình. Trong mưa giông có khả năng xảy ra lốc, sét, mưa đá và gió giật mạnh. Mưa lớn cục bộ có khả năng gây ra tình trạng ngập úng tại các vùng trũng, thấp và nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất tại khu vực vùng núi.
Trước đó, Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn quốc gia nhận định, cơn bão không ảnh hưởng đất liền nước ta. Tuy nhiên, đợt không khí lạnh sẽ gây mưa giông, lốc, sét, gió giật mạnh nhiều nơi ở khu vực miền Bắc và Bắc Trung Bộ.
Theo VietNamnet