Bão số 7 suy yếu thành áp thấp nhiệt đới trước khi vào bờ

Chiều tối 9/10, Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống thiên tai (PCTT) tổ chức cuộc họp trực tuyến với các bộ ban ngành và địa phương có liên quan, bàn phương án ứng phó với bão số 7.

Phát biểu tại cuộc họp, ông Mai Văn Khiêm - Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn cho biết, dự báo, bão số 7 sẽ suy yếu thành áp thấp nhiệt đới trước khi đi vào đất liền.

Bão số 7 vừa cập bờ lại xuất hiện ngay bão số 8 trên Biển Đông-1
Toàn cảnh cuộc họp

Theo ông Khiêm, đến chiều 10/10, tâm áp thấp nhiệt đới sẽ vào vùng biển các tỉnh từ Hải Phòng đến Thanh Hóa. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 7 (50-60 km/h), giật cấp 9.

"Mặc dù bão số 7 suy yếu thành áp thấp nhiệt đới trên biển, nhưng mưa lớn sẽ còn xuất hiện ở các tỉnh Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ", ông Khiêm nhấn mạnh.

Cụ thể, từ chiều tối nay đến ngày 11/10, ở phía Đông Bắc Bộ có mưa to đến rất to, tổng lượng mưa phổ biến 150-250 mm, có nơi trên 300 mm.

Khu vực phía Tây Bắc Bộ, từ 10-11/10, có mưa to, tổng lượng mưa phổ biến 50-100 mm, có nơi trên 150mm.

Ngoài ra, từ ngày 10-12/10, ở khu vực Bắc Trung Bộ có mưa to đến rất to, tổng lượng mưa phổ biến 100-250 mm, có nơi trên 250 mm.

Ông Khiêm nhận định: "Dự báo, sau khi bão số 7 vào bờ, đến khoảng ngày 11-12/10, Biển Đông lại xuất hiện bão số 8. Đến ngày 16-17/10, Biển Đông khả năng lại xuất hiện một cơn áp thấp nhiệt đới.

Đồng thời, hiện nay một bộ phận không khí lạnh đã ảnh hưởng đến các tỉnh miền Bắc, do đó, hoàn lưu bão số 7 kết hợp với không khí lạnh sẽ gây mưa lớn cho nhiều khu vực Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ", ông Khiêm thông tin.

Tại cuộc họp, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Hoàng Hiệp cho biết, Việt Nam sẽ phải đối mặt với tổ hợp thiên tai trong 10 ngày, đó là bão số 7, bão số 8, dự báo còn có bão số 9 và không khí lạnh.

Do đó, những ngày sắp tới thời tiết sẽ rất bất lợi cho khu vực miền núi phía Bắc, Bắc Trung Bộ.

Bão số 7 vừa cập bờ lại xuất hiện ngay bão số 8 trên Biển Đông-2
Ông Lê Minh Hoan - Phó trưởng ban Chỉ đạo TƯ về PCTT, Bộ trưởng bộ NN&PTNT.

"Các đơn vị và các địa phương cần có kịch bản ứng phó xa hơn, trước mắt là 10 ngày tới, để đảm bảo an toàn tính mạng cho người dân, an toàn trong sản xuất. Chúng tôi sẽ có phương án ứng phó cho các địa phương này trong suốt 10 ngày tới", ông Hiệp cho hay.

Dòng người phía Nam về quê cần đặc biệt chú ý

Theo ông Hiệp, Ban Chỉ đạo quốc gia về PCTT sẽ có văn bản gửi cho các tỉnh, thành phố phía Nam để thông báo cho người dân biết thời tiết 10 ngày tới rất nguy hiểm, để bà con có thể tính toán lùi thời gian về quê.

"Nhiều tỉnh miền Trung đang có mưa lớn và sẽ còn tiếp tục mưa trong những ngày tới. Dự báo, nhiều điểm của quốc lộ 1 sẽ ngập sâu. Nếu bà con về quê vào thời điểm này sẽ rất nguy hiểm.

Chúng tôi sẽ có đề nghị các tỉnh dọc quốc lộ 1 từ Hà Tỉnh trở ra phải có các giải pháp, trước hết là tính toán các điểm tránh trú cố định cho bà con.

Nếu trường hợp không có điểm cố định, thì phải chuẩn bị lều bạt để hỗ trợ bà con tránh trú khi gặp mưa bão trên đường hồi hương từ phía Nam ra", ông Hiệp nhấn mạnh.

Phát biểu tổng kết cuộc họp, ông Lê Minh Hoan đề nghị, 10 ngày tới được dự báo sẽ có một tổ hợp thiên tai phức tạp, do đó, các địa phương cần sớm có kịch bản ứng phó, không chỉ trước mắt với cơn bão số 7, mà cần xây dựng kịch bản tổng thể và "dài hơi" hơn.

Ông Hoan nhấn mạnh, bão số 7 diễn ra trong bối cảnh rất đặc biệt, các địa phương cần hết sức lưu ý: Bão xảy ra trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 còn diễn biến phức tạp; dòng người từ phía Nam vẫn tiếp tục di chuyển bằng xe máy để về quê tránh dịch.

"Các hình thái thiên tai cùng xuất hiện, cụ thể có ba yếu tố cùng xảy ra một lúc, thiên tai do bão số 7, dịch bệnh và dòng người hồi hương, nên rất dễ xảy ra các rủi ro cho người dân.

Do đó, tôi đề nghị chính quyền địa phương lưu ý vấn đề này, đặc biệt cần có thông tin kịp thời cho bà con, để bà con tính toán có thể lùi thời điểm về quê thêm ít ngày", ông Hoan nói.

Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo quốc gia về PCTT cho biết, các khu dân cư ven biển, khu vực trũng thấp, cửa sông, ngoài bãi, tại các tỉnh ven biển từ Quảng Ninh đến Hà Tĩnh đã sẵn sàng phương án, dự kiến sơ tán hơn 41.000 hộ với hơn 150.000 người dân khu vực ven biển đến nơi an toàn.

Đồng thời, các địa phương đã rà soát các đối tượng trong diện F0, F1 để có phương án cách ly, sơ tán riêng cũng như biện pháp y tế phù hợp để an toàn dịch bệnh (hiện có 2.912 đối tượng F0, F1/3 tỉnh).

Theo VOV