Từ ngày 1/1, Nghị định 176/2024 của Chính phủ quy định về quản lý, sử dụng kinh phí thu từ xử phạt vi phạm hành chính về trật tự, an toàn giao thông đường bộ và đấu giá biển số xe sau khi nộp ngân sách nhà nước, chính thức có hiệu lực.

Đáng chú ý, mức chi hỗ trợ cá nhân, tổ chức cung cấp thông tin phản ánh hành vi vi phạm hành chính về trật tự, an toàn giao thông của 1 vụ việc không quá 10% số tiền xử phạt vi phạm hành chính, tối đa là 5 triệu đồng/vụ việc.

Báo tin vi phạm giao thông, người dân có thể được nhận 5 triệu đồng-1
Mức chi cho tổ chức cung cấp thông tin phản ánh hành vi vi phạm hành chính về trật tự, an toàn giao thông của 1 vụ việc không quá 10% số tiền xử phạt vi phạm hành chính. Ảnh: Đình Hiếu

Cụ thể, tại Điều 3 của Nghị định nêu rõ, Bộ Công an xây dựng dự toán tương ứng với số tiền thu từ xử phạt vi phạm hành chính về trật tự, an toàn giao thông đường bộ và 30% số tiền thu từ đấu giá biển số xe năm trước liền kề đã nộp vào ngân sách nhà nước, gửi cơ quan có liên quan tổng hợp, trình cấp có thẩm quyền bố trí kinh phí theo quy định của Luật Ngân sách Nhà nước và văn bản quy phạm pháp luật có liên quan.

Đối với kinh phí thu từ xử phạt vi phạm hành chính về trật tự, an toàn giao thông đường bộ, Bộ Công an đề xuất phương án bố trí kinh phí cho Bộ Công an và các địa phương, tổng hợp cùng báo cáo dự toán ngân sách Nhà nước hằng năm của Bộ Công an để gửi cơ quan có liên quan tổng hợp theo quy định.

Số tiền này sẽ được chi cho hoạt động bảo đảm an toàn giao thông như: Chi cho đầu tư, mua sắm trang thiết bị, phương tiện phục vụ bảo đảm trật tự, an toàn giao thông; xây dựng, vận hành hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu; thuê nhà, phương tiện, chi mua xăng dầu, nhiên liệu khác phục vụ công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông; phục vụ điều tra, giải quyết tai nạn giao thông; giải quyết ùn tắc...

Báo tin vi phạm giao thông, người dân có thể được nhận 5 triệu đồng-2

Mức chi được quy định tại Điều 7 của Nghị định như sau: Chi bồi dưỡng cho cán bộ, chiến sĩ trực tiếp tham gia bảo đảm trật tự, an toàn giao thông ban đêm không quá 200.000 đồng/người/ca (một ca từ đủ 4 giờ trở lên, thời gian làm đêm từ 22h hôm trước đến 6h hôm sau), nửa ca (2 giờ) mức chi không quá 100.000 đồng/người, tối đa 10 ca/tháng.

Bồi dưỡng làm thêm giờ cho cán bộ, công chức, viên chức và các lực lượng tại địa phương trực tiếp tham gia bảo đảm trật tự, an toàn giao thông ban ngày không quá 100.000 đồng/ngày/người, tối đa không quá 10 ca/tháng.

Cũng tại Điều 7 quy định về mức chi hỗ trợ cá nhân, tổ chức cung cấp thông tin phản ánh hành vi vi phạm hành chính về trật tự, an toàn giao thông của một vụ việc không quá 10% số tiền xử phạt vi phạm hành chính, tối đa 5 triệu đồng/vụ việc.

Việc thanh toán mức chi phí hỗ trợ người cung cấp thông tin phải có đầy đủ chứng từ theo quy định, đồng thời cơ quan chức năng sẽ giữ bí mật về danh tính người cung cấp thông tin.

Theo Vietnamnet