Những người có lời nhờ đều trạc tuổi tôi. Số ít nhờ kiếm vé Anh trai vượt ngàn chông gai (ATVNCG) cho con. Còn hầu hết là để đi xem cùng con và cả hội bạn. Như vậy, điểm thú vị của gameshow và concert này là kết nối được các thế hệ cách nhau phải đến 30-40 năm. Hẳn do cách chọn nghệ sĩ với biên độ tuổi rộng (từ 30 đến 50), chọn những bài hát cũ, mới, dân gian, nhạc trẻ… đan xen. Và cách kể chuyện của chương trình cũng phải làm sao dung hòa được thị hiếu của đông đảo khán giả.

Bên Anh trai say hi (ATSH) thiên hẳn về khán giả trẻ, đương nhiên cũng cháy vé khi làm concert. Tại TPHCM, chương trình này đã tổ chức 2 đêm nhạc thu hút hơn 7,5 vạn khán giả. Điều này dễ hiểu vì giới trẻ vẫn bao giờ cũng chịu chi hơn cho âm nhạc giải trí.

Bão vé hòa nhạc sau 2 show Anh trai-1
Anh tài Thanh Duy giao lưu với khán giả bên lề concert “Anh trai vượt ngàn chông gai” tại TPHCM

Cả hai gameshow bỗng đều trở thành tiền đề cho những concert “trong mơ”, có hiệu ứng không kém cạnh những lần trình diễn tại sân vận động của sao quốc tế tại Việt Nam. Công thức đảm bảo thành công lúc này: hội tụ dàn sao, cho luyện tập, biểu diễn, tương tác với khán giả qua truyền hình. Sau khi tất cả đều kiếm được lượng khán giả đủ đông thì tổ chức concert.

Hiệu quả của công thức này kéo dài đến bao giờ chưa rõ. Nhưng ít ra cho đến lúc này, nó đang đáp ứng cơn khát concert, khát thần tượng nội địa của đông đảo khán giả. Và tất nhiên, điều này tiếp thêm sinh lực và niềm tin cho nền công nghiệp giải trí trong nước. Qua những lần làm concert, các nhà tổ chức ngày càng có kinh nghiệm, thêm năng lực để tổ chức những sự kiện ngang tầm quốc tế. Các nghệ sĩ nhìn thấy hướng đi trong tương lai gần để vươn tới.

Dù sao, concert “đúng điệu” vẫn phải là của những cá nhân nghệ sĩ hàng đầu. Nếu là sao quốc tế, họ có thể làm hẳn một chuỗi các buổi trình diễn qua nhiều quốc gia. Concert từ gameshow chủ yếu tận dụng sự yêu mến tức thì của khán giả dành cho một tập thể, một format. Và để có được concert cho năm sau, nhà tổ chức sẽ phải lặp lại quá trình - nhờ gameshow gây dựng lại từ đầu, chắc không thể tận dụng được dàn nghệ sĩ của mùa trước. Vì thế với các nghệ sĩ này, concert có thể sẽ là kỷ niệm duy nhất trong đời.

Lúc này, bạn Facebook của tôi - một doanh nhân kiểu “thợ đụng” (tức cứ cái gì kiếm ra tiền mà hợp pháp thì làm) - bắt đầu rao bán: “Đội săn vé đã xong, đội pass vé vào việc”. Kèm theo là hình ảnh cho thấy hầu hết các hạng vé đều hết. Ý muốn nói chỉ còn cách mua ở đây thôi. Tức là họ đã huy động một bộ máy công ty cho việc mua vé ATSH, giờ là lúc “phân phối” ăn chênh lệch.

Tìm sơ sơ các nhóm kín hoặc công khai với mục đích săn vé, để lại vé của hai concert Anh trai, tổng cộng có đến 20.000 thành viên. Một số người tuyên bố vẻ đầy uy tín, không những sang tên vé mà còn dẫn khách vào tận cổng. Một người khác: “Tôi có sẵn nguồn camp Chín muồi (tên một hạng vé của concert ATVNCG) nhé, giao dịch trực tiếp tại Hà Nội ạ. Vừa bị khách bùng 4 vé nên đang còn, check thoải mái, giao dịch trung gian hoặc bất cứ yêu cầu gì của bạn ạ”. “Camp vé” tức là mua vé hộ, chuyển tiền trước, nếu không mua được sẽ hoàn trả, về lý thuyết.

Một lời rao khác: “Em còn 13 slot camp vé ạ. Trừ XVIP ra thì zone nào cũng camp được ạ. Công vé đứng 300k, ngồi 400k. Đảm bảo mail ticketbox (tên ứng dụng đặt vé- PV) về mail chính chủ của người đặt, không được sẽ hoàn công ngay lập tức”.

Xưa có đội phe vé hay lượn lờ ở các rạp hát trước khi chương trình diễn ra. Họ thường hỏi người này có vé thừa để lại, xong lại gạ người kia có lấy vé không… Tất nhiên, nhiều khả năng họ thông đồng với người ngồi trong quầy để tuồn vé ra. Săn vé thời công nghệ ít ra công khai tiền công mua hộ từ 200 đến 400 nghìn đồng. Tức là lãi mỗi vé tầm trên dưới 10% so với giá chuẩn. Cò vé dù khiến các nhà tổ chức đau đầu nhưng là một loại nhiệt kế đo sức nóng của sự kiện.

Theo Tiền Phong