Chiều 4/9, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan chủ trì cuộc họp với các bộ, ban ngành và trực tuyến với 11 tỉnh, thành phố ven biển từ Quảng Ninh - Nghệ An; TP Hà Nội, Hưng Yên, Hà Nam, Hải Dương để triển khai ứng phó với bão Yagi (bão số 3).
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan chủ trì cuộc họp. Ảnh: Đình Hiếu
Bão Yagi có thể mạnh thành siêu bão
Tại cuộc họp, TS. Mai Văn Khiêm - Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn quốc gia cho biết, sau khi vào Biển Đông, bão Yagi đã tăng 4 cấp. Hiện nay, trên Biển Đông nền nhiệt độ cao trên 30 độ C là điều kiện để kích hoạt bão mạnh lên.
Ông Khiêm đánh giá, trong 24 - 48 giờ tới, bão số 3 tiếp tục tăng cường độ khi tiếp cận đảo Hải Nam (Trung Quốc). Hiện nay, dự báo về cơn bão số 3 của Việt Nam và cơ quan quốc tế tương đối thống nhất về hướng và cường độ.
Tại bản tin lúc 11h cùng ngày, sau khi xem xét đánh giá, phía Việt Nam đã cập nhật thêm các bản tin trong 24 - 36 giờ tới.
Hiện nay, theo thông tin đánh giá sức gió tại trạm quan sát ở gần đảo Hải Nam (Trung Quốc) có trường hợp tính toán sức gió có thể cấp 16, giật cấp 17.
TS. Mai Văn Khiêm - Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn quốc gia. Ảnh: Đình Hiếu
"Khi bão đạt cấp 16 là siêu bão, sẽ có rất nhiều tác động. Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn quốc gia đang xem xét trong chiều và tối nay sẽ lên các phương án và có khả năng cập nhật dự báo về cơn bão tăng cấp hơn nữa, không chỉ ở cấp 15 mà là cấp 16.
Trong trường hợp bão ở cấp 16, các phương án chỉ đạo của chúng ta cũng sẽ thay đổi, nên phải cân nhắc, xem xét và phân tích thêm", ông Khiêm cho biết.
Trong các dự báo đến hiện tại, mốc thời gian bão vào Vịnh Bắc Bộ là đêm 6/9, cường độ đạt cấp 12 - 13, giật cấp 15. Từ ngày 7/9, có thể xảy ra mưa lớn tại Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ.
Ông Khiêm đánh giá về lượng mưa, hướng gió tại Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ phụ thuộc vào hướng gió của bão, nếu bão đi vào Vịnh Bắc Bộ và đất liền mà lệch lên hướng Bắc khoảng 50 - 100km thì mức độ ảnh hưởng sẽ khác.
Theo ông Khiêm, do còn khoảng 54 giờ nữa bão mới vào đất liền nước ta nên còn nhiều thay đổi, các cơ quan dự báo sẽ tiếp tục cập nhật để đưa ra các dự báo.
Ông Khiêm cho biết, từ chiều tối nay, nếu bão tiếp tục tăng cường độ, sẽ cập nhật thêm cường độ ở phía đông đảo Hải Nam lên cấp 16. Trên đất liền từ trưa đến chiều 7/9, từ Quảng Ninh - Thái Bình, đặc biệt là Nam Định có gió mạnh lên cấp 9 - 10, giật cấp 13.
Với kịch bản hướng đi của cơn bão như hiện nay, lượng mưa sẽ rất lớn, khoảng 200 - 300mm, có thể lên tới 500mm. Tuy nhiên, nếu bão di chuyển hướng về phía Bắc thì sẽ giảm lượng mưa và ảnh hưởng.
Dự kiến trong sáng mai (5/9), Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn quốc gia phát tin bão khẩn cấp, ngoài các bản tin định kỳ cập nhật 3 giờ/ lần còn có thêm bản tin cập nhật 1 giờ/lần. Trong trường hợp chiều và tối nay, bão tiếp tục tăng ở mức cao sẽ có thêm bản tin về siêu bão trong 24 - 36 giờ tiếp theo.
Hướng dẫn 50.000 tàu thuyền tránh bão
Theo báo cáo của Cục Trồng trọt, sản xuất (Bộ NN&PTNT), tại Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ còn 15.000ha lúa hè thu đang giai đoạn chín sáp, cần tập trung mọi nguồn lực để thu hoạch với phương châm "xanh nhà hơn già đồng".
Khoảng 998.000ha lúa mùa đang ở giai đoạn sinh trưởng, cần huy động mọi nguồn lực nạo vét kênh mương, khơi thông dòng chảy, tiêu thoát nước sớm, tránh ngập úng khi mưa lớn xảy ra.
Dự báo hướng đi của bão số 3. Ảnh: Hệ thống giám sát thiên tai Việt Nam
Về nuôi trồng thủy sản, từ tỉnh Quảng Ninh - Quảng Ngãi hiện có 166.824ha diện tích và 24.633 lồng, bè nuôi trồng thủy sản, 3.911 chòi canh.
Theo báo cáo của Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng, đơn vị đã kiểm đếm, hướng dẫn cho hơn 50.000 phương tiện/219.000 người biết diễn biến, hướng đi của bão số 3 để chủ động di chuyển vòng tránh, trong đó có 557 tàu/3.703 người hoạt động tại khu vực Bắc Biển Đông và quần đảo Hoàng Sa.
Theo Vietnamnet