Trước tình hình bạo lực học đường, siêu mẫu Xuân Lan vừa có dòng trạng thái nói về vấn đề này. Bằng cách kể chuyện dí dỏm, cô kể chuyện khi học cấp 2, bản thân cũng từng hẹn "xử nhau" với bạn cùng trường: "Hồi lúc lớp 9, đám mình hẹn đánh nhau với nhóm học sinh lớp 8. Không liên quan lắm.

Nhưng mà hình như có đứa nào đó lớp 8 thích đứa con trai đang hot trong lớp 9 của mình, rồi đứa nào đó ở lớp 9A1 của mình ghét con bé đó nên hẹn đánh. Rồi lập kèo chốt đơn lên lịch đi đánh lộn với áo còn nguyên phù hiệu.

Buổi chiều 2 nhóm đi đò qua sông đến khu ruộng lúa, giao hẹn nhóm nào đánh thua thì trả tiền đò cho cả hai! Chuẩn bị nhào vô thì mấy đứa lớp 8 bỏ nhỏ: 'Chị ơi chị đánh em nhẹ nhẹ thôi nha'. Ừ, rồi giao hẹn không chơi nắm đầu.

Rồi đủ chuyện quy tắc đánh lộn được đặt ra. Tất nhiên vô huỵch nhau mấy cái thì đám bự con thắng. Rồi hiên ngang kéo về trước. Bỏ tụi nhỏ về sau với số nợ tiền đò. Oanh oanh liệt liệt!

Đám nhỏ qua sông rồi ù té chạy vì làm gì có tiền trả, báo hại bác lái đò đến tìm gặp cô hiệu trưởng méc. Rồi tất cả các phụ huynh đi họp nhìn nhau vừa tức vừa mắc cười. Rồi trả tiền cho bác lái đò. Mỗi đứa về bị ba mẹ tét vài roi vào đít. Rồi huề cả làng..."

Bật cười nghe Xuân Lan kể chuyện từng đánh nhau hồi cấp 2-1Bật cười nghe Xuân Lan kể chuyện từng đánh nhau hồi cấp 2-2
Xuân Lan nhớ lại chuyện đánh nhau hồi cấp 2 như một chuyện cười

Siêu mẫu tiết lộ đây là kỉ niệm mà nhớ lại cô vẫn thấy buồn cười: "Rồi giờ mỗi lần nhớ lại là thấy dễ thương. Tụi mình lớn lên ở tuổi ngang tàng thì ba mẹ mình tâm lý cho con vượt qua.

Bé nào nhút nhát thì ba mẹ cho thêm động lực, phân tích, bình tĩnh, tích cực, rồi tụi mình trưởng thành... Giờ bà ngoại kể chuyện đánh nhau của mẹ Lan thành chuyện cười cho bé Thỏ. Rồi 1 ngày nào đó Thỏ cũng đi đánh lộn, mẹ Lan cũng phải đi họp phụ huynh".

Không chỉ Xuân Lan, NTK Đỗ Mạnh Cường cũng có một dòng trạng thái nói về chuyện học sinh đánh nhau ở trường học: "Hồi nhỏ mình rất sợ đi học bị bắt nạt, gặp mấy đứa hung dữ nổi tiếng trong trường là mình luôn né.

Nên thực sự vấn đề bạo lực trong học đường rất ám ảnh mình. Giờ có con đi học lại càng ám ảnh hơn. Nhiều khi nghĩ hay thuê vệ sĩ canh ở lớp các con học, hoặc là thuê thầy cô giáo về dạy học ở nhà mà khỏi đến trường.

Nhiều khi chẳng mong con học quá giỏi làm gì, chỉ mong các con đi học an toàn khi bố không có bên cạnh mà thôi".

Bật cười nghe Xuân Lan kể chuyện từng đánh nhau hồi cấp 2-3Bật cười nghe Xuân Lan kể chuyện từng đánh nhau hồi cấp 2-4
NTK Đỗ Mạnh Cường ám ảnh chuyện bạo lực học đường và từng muốn thuê vệ sĩ bảo vệ các con

Còn Trà Ngọc Hằng cũng bày tỏ chuyện người mẹ luôn đứng ra bảo vệ con cái khi con đối mặt với bạo lực học đường.

Cô viết: "Nhiều khi chứng kiến những vụ bạo hành học sinh, bạo lực học đường, Hằng chỉ ước ao một điều: Ước gì trước khi đánh đập, hành hạ một đứa trẻ, người ta nhớ rằng phía sau bé đều là một NGƯỜI MẸ.

Dù có là con của người nhặt phế liệu, con của tỷ phú, doanh nhân, con của bà mẹ đơn thân vất vả nào đó thì cũng giống hệt nhau thôi. Mỗi đứa bé đều là sinh mệnh của người mẹ.

Hồi nhỏ ở quê, Hằng thấy cảnh con gà mẹ dám đánh nhau với chó, với rắn để bảo vệ con. Mèo mẹ sẽ tấn công cả những con to gấp chục lần mình nếu tới gần con chúng. Loài vật còn vậy, nói chi tới con người?

Hằng không có cổ xúy bạo lực hay điều gì tương tự, nhưng xin đừng chạm vào giới hạn cuối cùng của người mẹ, con cái họ. Hằng cũng làm mẹ, lại là mẹ đơn thân, nên càng hiểu hơn sức mạnh của tình mẫu tử.

Con quan trọng hơn cả cuộc sống của nhiều bà mẹ. Vậy thì xin đừng dại dột làm tổn thương thứ người mẹ coi trọng hơn cả tính mạng mình.

Bật cười nghe Xuân Lan kể chuyện từng đánh nhau hồi cấp 2-5Bật cười nghe Xuân Lan kể chuyện từng đánh nhau hồi cấp 2-6
Trà Ngọc Hằng cho rằng giới hạn của người mẹ là con và không người mẹ nào hiền lành để con bị tấn công

Hằng luôn dạy Sophia phải nhường nhịn, phải chia sẻ (Sophia mới hơn 3 tuổi). Nhưng nói thiệt, Hằng cũng không có tin mình sẽ nhường nhịn hay chia sẻ được nếu có bất cứ thứ gì đe doạ tới con.

Đọc báo, coi tin con người khác bị bắt nạt ở trường học, bị trùm túi nilon trong lớp, máu đã muốn sôi lên, lúc đó dịu dàng với nhường nhịn bay đi hết rồi.

Làm mẹ bảo vệ con đó là chuyện đương nhiên, cứ bảo vệ con bằng mọi cách, miễn đừng vi phạm luật pháp và đừng để con chứng kiến điều mình làm. Không phải giữ gìn hình tượng bà mẹ tốt, mà là để con không trưởng thành trong một chiếc lồng nhung an toàn tuyệt đối!"

Theo Công lý & xã hội