Vấn nạn quay lén và livestream lén các bộ phim chiếu rạp đã và đang là điều nhức nhối, bức xúc và đáng quan ngại của những nhà sản xuất phim Việt.
Trong khoảng hơn 1 năm trở lại đây, khi hình thức livestream trên Facebook phát triển, nhiều bạn trẻ đã “vô tư” vào rạp livestream toàn bộ phim cho bạn bè và cộng đồng mạng xem, thậm chí còn cho rằng hành động của mình là “việc tốt”. Điều này không chỉ gây ảnh hưởng đến bộ phim, doanh thu mà còn là hành vi phạm pháp, có thể bị xử lý hành chính.
Mới đây, sau khi ra mắt được vài ngày, Cô Ba Sài Gòn của nhà sản xuất Ngô Thanh Vân đã bị livestream trên 1 fanpage cộng đồng phim. Bên cạnh việc thu hút hàng ngàn lượt xem trực tiếp, nhiều bạn trẻ đã vào can ngăn, khuyên giải và đề nghị ngừng ngay hành động phạm tội này.
Thậm chí, Ngô Thanh Vân cũng đã dùng tài khoản cá nhân của mình để vào “năn nỉ: “Em ơi, đừng làm vậy! Hãy để khán giả ra rạp xem em ơi”. Sau đó, nữ diễn viên phải bình luận một cách đau đớn: “Em làm vậy thì em đang giết phim Việt đó”.
Đoạn livestream phim "Cô Ba Sài Gòn".
Ngô Thanh Vân đích thân vào bình luận can ngăn.
Ấy vậy mà bất chấp những lời khuyên ngăn của khán giả lẫn nhà sản xuất, fanpage này vẫn tiếp tục livestream. Ngay sau đó, Ngô Thanh Vân đã chia sẻ trên fanpage của mình trong nước mắt:
Có thể nói, mặc cho đã rất nhiều lần, các nhà sản xuất, đạo diễn lên tiếng phản đối lẫn cầu cứu các cơ quan chức năng, ban quản lý rạp phim cùng với mong muốn các khán giả hãy chấm dứt ngay việc làm này, thế nhưng như “bắt cóc bỏ dĩa”, mỗi khi phim Việt ra rạp là lại xảy ra tình trạng này.
Vào tháng 3 năm nay, khi phim điện ảnh Lô Tô cũng bị livestream lén, Giám đốc sản xuất phim Lý Minh Thắng đã cho biết: “Họ chỉ muốn chia sẻ và quảng bá bộ phim. Đấy là những suy nghĩ rất đơn giản và vô tư…
Bản thân tôi khi đứng vào địa vị là khán giả, tôi thấy rằng, các quy định của rạp về vấn đề bảo vệ bản quyền của phim không phải ai cũng biết, nếu biết họ cũng không rõ về mức độ nặng nhẹ của sự việc. Khán giả vào xem phim được mang theo điện thoại và trong lúc xem họ vẫn sử dụng điện thoại bình thường, còn sử dụng vào mục đích nào thì nhân viên giám sát của rạp phải là người kiểm tra và nhắc nhở”.
Anh cũng nhận định, để ngăn chặn tình trạng này, đạo diễn và các rạp chiếu phim cần phối hợp chặt chẽ với đơn vị chủ quản trang mạng xã hội facebook để ngăn chặn các trường hợp như trên. “Tuy nhiên, động thái duy nhất của các cơ quan liên quan là phát hiện trường hợp nào sẽ nhắc nhở và yêu cầu xóa video. Tôi thấy hành động đó vẫn chưa triệt để”.
Rõ ràng, dù có áp dụng bao nhiêu điều khoản pháp luật hoặc xử phạt thế nào, quan trọng nhất vẫn chính là ý thức của những khán giả trẻ, từ những người livestream lén cho đến những bạn ngồi trước màn hình máy tính, điện thoại để xem những đoạn video bất hợp pháp này.
Hãy đến rạp để thưởng thức phim Cô Ba Sài Gòn, không chỉ là bộ phim giải trí mà còn mang đậm giá trị văn hóa dân tộc thông qua hình ảnh áo dài. Chắc chắn rằng, xem một bộ phim hay tại rạp sẽ thỏa mãn hơn nhiều so với việc xem lén tại nhà.
Theo Saostar