Món cổ vật vốn là khúc gỗ được tìm thấy tại pháo đài Vindolanda, Northumberland, Anh. Ban đầu, các chuyên gia cho rằng có thể đây là công cụ dùng để may vá.
Tuy nhiên mới đây, giới khảo cổ học nhận định, khúc gỗ niên đại 2.000 năm tuổi này có thể là đồ chơi người lớn của người La Mã.
Cổ vật được tìm thấy bên dưới pháo đài, có kích thước khoảng 16cm với một đầu tròn và thon hơn đầu còn lại. Giới chuyên môn nhận định, kích thước ban đầu của cổ vật có thể lớn hơn. Nhưng do ảnh hưởng của thời gian, chất gỗ bị cong vênh.
Món cổ vật bằng gỗ 2.000 năm tuổi gây ra nhiều tranh luận về mục đích sử dụng (Ảnh: Đại học Newcastle).
Tài liệu ghi chép cho thấy, cổ vật nằm trong mương nước. Cạnh đó là một số phụ kiện quần áo, sản phẩm may vá, đôi giày và những đồ bỏ đi. Có thể đây là lý do khiến ban đầu nó bị coi là dụng cụ may vá.
"Cũng có thể các nhà khảo cổ không thoải mái với suy nghĩ những người La Mã cổ đại đã chế tạo ra thứ kỳ quặc như vậy. Sau đó, chúng tôi cùng nhau phân tích xem nó từng được sử dụng làm gì và đã có những cuộc thảo luận rất thú vị", Giáo sư Rob Collins, một nhà khảo cổ học đến từ Đại học Newcastle, nhận định.
Theo một số chuyên gia, hình dáng cổ vật tương tự như mô phỏng "bộ phận nhạy cảm" của phái mạnh - thứ xuất hiện nhiều trong các sản phẩm thời La Mã cổ đại, từ tranh bích họa, đồ trang trí cho tới mặt dây chuyền đeo cổ.
Hiện món vật được trưng bày tại bảo tàng Vindolanda, Anh (Ảnh: Đại học Newcastle).
Với giả thuyết cổ vật từng được sử dụng vì lý do tình dục, Giáo sư Collins cho rằng "cần phân tích thận trọng".
"Đôi khi không phải lúc nào chúng cũng được dùng để tạo ra khoái cảm. Thậm chí có thể chúng từng là công cụ tra tấn. Nhưng trong thơ ca Hy Lạp và nghệ thuật La Mã từng mô tả việc người cổ đại sử dụng dương vật giả", Giáo sư Collins bổ sung.
Giới khảo cổ học hy vọng, với việc tìm thấy món cổ vật này sẽ thúc đẩy việc tìm kiếm món đồ tương tự trong những bộ sưu tập khác. Hiện cổ vật được trưng bày tại bảo tàng Vindolanda, thu hút đông đảo du khách tới chiêm ngưỡng.
Theo Dân Trí