Ông đồng ý với chỉ đạo của Bộ GD-ĐT là để cho Sở GD-ĐT Hà Giang tự rà soát trước, bởi vì công tác tổ chức thi đã được giao cho Sở. Tuy nhiên, sau đó Bộ phải vào cuộc một cách quyết liệt, không thể buông xuôi để tìm được nguyên nhân giải thích cho hiện tượng bất thường này.
“Sau thanh tra Bộ có thể là thanh tra các cấp cao hơn, thậm chí là công an vào cuộc nếu phát hiện có yếu tố hình sự" – ông nói.
So sánh tỷ lệ điểm thi THPT quốc gia của thí sinh Hà Giang với các tỉnh khác. Lưu ý, số liệu của từng tỉnh được tính theo số điểm/số bài thi của từng địa phương. Đồ hoạ: Vũ Dung
Ngoài thông tin nghi vấn về các số liệu bất thường, Bộ GD-ĐT cũng đã nhận được phản ánh về các dấu hiệu "lạ" vào một quá trình tổ chức kỳ thi THPT Quốc gia của một số cá nhân ở Hà Giang.
TS. Khuyến cho rằng nhiệm vụ này không khó đến mức không thể tìm ra được nguyên nhân. Ông khẳng định Bộ có các bộ phận thanh tra chuyên môn có nghiệp vụ có thể làm được việc này.
Còn ông Phạm Thái Sơn, Giám đốc Trung tâm tuyển sinh Trường ĐH Công nghiệp thực phẩm TP.HCM cho rằng những ý kiến về sự bất thường về điểm của thí sinh có lẽ cần kiểm tra thật kỹ.
“Trong khâu chấm thi phần trắc nghiệm nếu có xảy ra tiêu cực thì chỉ có thể trước lúc quét bài thi, dữ liệu bài thi sau khi quét được bảo mật và gửi về Bộ rồi sau đó mới có đĩa kết quả để cài đặt và chấm. Bài thi phải được tô, sửa trước khi đưa vào quét.
Và phần này rất khó vì theo quy trình thì để mở kho để bài thi, thùng bài đựng bài thi và túi bài thi phải có mặt và xác nhận của các thành phần của ban chấm thi, thư ký, thanh tra và an ninh. Khi mở thùng bài thi còn phải đối sánh chữ ký của điểm phó đến từ trường đại học ký niêm phong trên thùng với chữ ký mẫu. Túi bài thi nghi vấn thì phải đối chiếu chữ ký của cán bộ coi thi với chữ ký mẫu của cán bộ coi thi”.
Ông Sơn cho rằng, sự việc ở Hà Giang nếu có gian lận nếu có thì phải là sự gian lận có hệ thống, các thành viên tham gia trong quy trình đó thông đồng với nhau và vấn đề này dường như là không thể. Tiêu cực xảy ra nếu có thì do con người thực thi, chứ về quy trình tổ chức thì đã có sự giám sát chéo rất chặt chẽ của các bên tham gia.
Trưởng phòng đào tạo một trường ĐH ở phía Nam cho rằng, khi có điểm số biến động thất thường vậy cần phải kiểm tra lại tất cả từ khâu tổ chức tới khâu chấm thi. Ông này cho rằng, hiện tại Bộ đã yêu cầu báo cáo do vậy cần phải làm gấp để trấn an dư luận.
Trong khi đó, một chuyên gia giáo dục cho rằng cần phải làm rõ sự việc ở Hà Giang, bởi nghi vấn này không phải lần đầu mà đã có từ năm ngoái nhưng không ai nói. Theo ông, đáng ra kỳ thi này phải để trường ĐH chủ trì sẽ nghiêm túc (2 năm nay việc tổ chức kỳ thi THPT quốc gia do các sở chủ trì). Sự việc ở Hà Giang nếu có thì là do thông đồng với nhau và có thể rút bài ra tô lại.
Ngày 14/6, tại hội nghị trực tuyến trước kỳ thi diễn ra, ông Đỗ Văn Dũng, Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM đã đưa ra lưu ý công tác coi thi THPT quốc gia phải thực hiện nghiêm để đảm bảo cho việc vừa xét tốt nghiệp THPT vừa xét tuyển vào ĐH.
Khi đó, ông Dũng đã đặt ra tình huống: Trong kì thi có thể có một số tiêu cực như thí sinh nộp giấy trắng nhưng sau đó lại được rút ra viết bài đó. Cụ thể thí sinh thi trắc nghiệm thì rút bài ra rồi tô lại, còn thí sinh thi tự luận nộp giấy trắng, sau đó rút bài về viết thêm. Vì vậy, phải đưa thêm một số điều kiện để phòng tình huống tiêu cực xảy ra. Đó là phải có quy định chung về giấy niêm phong và làm thế nào xử lý việc tô bút chì không sửa được, hoặc sau khi thi xong thì có nền tảng công nghệ dán lên để và rút ra không sửa được.
Tuy nhiên, cũng tại hội nghị, ông Nam Nhật Minh, Phó phòng Quản lý thi và tuyển sinh, Cục Quản lý chất lượng (Bộ GD-ĐT) cho rằng quy trình thi THPT cực kì nghiêm ngặt, không chỉ một người mà có rất nhiều người. Do vậy, không thể có chuyện bài thi lấy ra để tô lại hoặc bổ sung bài làm được. Bởi thùng đựng bài thi phải có khóa niêm phong và có công an bảo vệ 24/24. Một quy định khác việc đánh tráo bài thi nhưng nếu làm chặt thì sẽ rất khó xảy ra.
Năm nay, việc quản lý phiếu trả lời trắc nghiệm là duy nhất 1 tờ giấy làm bài thì không thể tuồn ra ngoài. Quy định niêm phong cũng sử dụng tem niêm phong mỏng và trên đó phải có đầy đủ chữ ký của cán bộ coi thi.
Bàn về trách nhiệm khi xảy ra tiêu cực trong thi cử, TS Lê Viết Khuyến bày tỏ quan điểm:
“Nếu đã quyết tâm giao việc tổ chức kỳ thi cho Sở thì người đứng đầu của tỉnh – tức chủ tịch UBND tỉnh cần phải chịu trách nhiệm trước Chính phủ. Còn các thành viên khác thì sẽ chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND tỉnh. Nếu người đứng đầu tỉnh thấy được trách nhiệm của mình trước Chính phủ, họ sẽ có những biện pháp huy động bộ máy của mình để làm tốt nhiệm vụ”.
TS. Khuyến cũng nhấn mạnh, cần phải đẩy mạnh sự giám sát của xã hội, đặc biệt của các cơ quan báo chí, chứ không chỉ dựa vào giám sát trong nội bộ ngành. Và khi các địa phương được giao nhiệm vụ tổ chức kỳ thi thì trách nhiệm giải trình của địa phương phải rất cao. Địa phương phải chấp nhận sự giám sát từ phía xã hội, chấp nhận công khai các hoạt động của mình.
Theo Vietnamnet