Sau trận thua Olympic Nhật Bản 0-2, Olympic Việt Nam đã rơi vào tình thế cực kỳ khó khăn khi buộc phải thắng đậm Olympic Macau ở lượt trận cuối bảng I (VTV6, K+1 trực tiếp lúc 16 giờ ngày 31-3), đồng thời phải trông chờ kết quả của các bảng đấu khác mới giành suất vào VCK Giải U23 châu Á 2016.

Dù không trực tiếp phê bình HLV Miura nhưng Chủ tịch CLB HAGL Đoàn Nguyên Đức vẫn bày tỏ nỗi thất vọng trước cách dùng người của HLV người Nhật đối với những niềm hy vọng từ “lò” Arsenal HAGL JMG như Công Phượng, Văn Toàn và đặc biệt là Tuấn Anh.

“Cứ đá kiểu này, trước sau gì Tuấn Anh cũng bị loại khỏi U23 Việt Nam. Cá nhân tôi và rất nhiều người đều thừa nhận rằng Tuấn Anh là cầu thủ có tố chất thực sự đặc biệt, là người giỏi nhất mà Học viện Arsenal HAGL JMG đào tạo được cho đến thời điểm này.

Thế nhưng, sở trường của Tuấn Anh được đào tạo là tiền vệ cầm bóng, tổ chức tấn công. Còn lối chơi của Olympic Việt Nam hiện nay, hậu vệ cứ có bóng là phát dài lên cho tiền đạo cắm đầu chạy.

Vì vậy, vai trò của Tuấn Anh sẽ bị vô hiệu hóa nên nếu bị loại do không phù hợp với lối chơi của ông Miura cũng là điều bình thường” - bầu Đức nói.

Sau trận thắng Olympic Malaysia 2-1 và thua Olympic Nhật Bản 0-2, trong khi Công Phượng được ca ngợi thì Tuấn Anh lại bị dư luận hoài nghi vì chỉ được HLV Miura cho đá 70 phút trận đầu tiên trước khi phải ngồi dự bị suốt trận đấu quan trọng với đội Nhật.

Điều này khiến bầu Đức bức xúc: “Trận gặp Malaysia, Công Phượng chơi chưa tốt như báo chí, người hâm mộ khen ngợi.

Nếu so với những trận đấu mà cầu thủ này từng tỏa sáng khi gặp U19 Úc hay U19 Nhật Bản thì phong độ của Công Phượng kém hơn.

Tôi chỉ tiếc việc HLV Miura chưa biết cách dùng Tuấn Anh đúng sở trường. Không có Công Phượng thì vẫn còn Văn Toàn, chứ không có Tuấn Anh thì đội chẳng có bóng, Công Phượng cũng chỉ đứng nhìn thôi”.


Theo bầu Đức, Công Phượng (10) “đói” bóng ở trận thua Olympic Nhật Bản vì vắng một tiền vệ sáng tạo như Tuấn Anh. Ảnh: Đức Anh

Sau loạt trận thứ 2, hy vọng giành vé đi Qatar của Olympic Việt Nam đã bị thu hẹp đáng kể. Kể cả trong trường hợp thắng đậm Olympic Macau, Olympic Việt Nam chưa chắc đã đứng trong tốp 5 đội xếp thứ hai có thành tích tốt nhất ở 10 bảng đấu.

Theo thể thức của LĐBĐ châu Á (AFC), tiêu chí xếp hạng sẽ lần lượt được tính là số điểm, hiệu số bàn thắng và số bàn thắng.

Cho đến lúc này, đội bóng của HLV Miura đang gặp khó khăn ở mặt hiệu số bàn thắng.

Cụ thể hơn, theo bảng xếp hạng dành cho các đội nhì hiện tại của AFC, rất nhiều đối thủ đang có hiệu số bàn thắng rất lớn như Olympic Indonesia (bảng H, 6 điểm, hiệu số +7), Yemen (bảng D, 6 điểm, hiệu số +6), Uzbekistan (bảng E, 6 điểm, hiệu số +6), Thái Lan (bảng G, 6 điểm, hiệu số +5) và Myanmar (bảng F, 6 điểm, hiệu số +4).

Theo Tri Thức Trẻ