Rhea Jane, một em bé 8 tháng tuổi ở Philippines vô tình tử vong sau khi nuốt phải nắp của một chai nước khoáng.
Mẹ của Rhea Jane đau xót kể lại: vụ việc diễn ra khi Rhea Jane đang nằm trong xe đẩy. Hôm đó, vì quá mệt nên mẹ Jane quyết định ngủ một giấc và nhờ bà ngoại trông cháu giúp. Không may, gần nơi để xe đẩy của em bé lại có một chai nước khoáng đang mở nắp hờ. Trong một tích tắc bà ngoại không để ý, đứa trẻ 8 tháng tuổi đã vồ lấy nắp chai cho vào miệng và bị mắc nghẹn.
Khi nghe thấy tiếng khóc của con, người mẹ trẻ lập tức tỉnh dậy và cố gắng lấy nắp chai ra khỏi miệng cô bé. Tuy nhiên, tất cả đã quá muộn. Các bác sĩ cho biết Rhea Jane đã bị thiếu oxy trong thời gian quá lâu và không thể qua khỏi.
Bé sơ sinh 8 tháng tuổi xấu số.
Các bác sĩ cho biết Rhea Jane đã bị thiếu oxy trong thời gian quá lâu và không thể qua khỏi.
Vụ việc đã làm dấy lên một hồi chuông cảnh báo với tất cả các bậc cha mẹ về ý thức phòng tránh những nguy cơ gây hóc nghẹn ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ.
Kể từ khi con bắt đầu cầm nắm được đồ vật cho đến tận 4-5 tuổi, bạn luôn cần cảnh giác với nguy cơ hóc, nghẹn. Nguy cơ này thường xảy ra nhất ở các bé dưới 4 tuổi, một phần là do bé đang khám phá thế giới theo cách riêng của mình - cho mọi thứ vào miệng.
Một nguyên nhân khác nữa là bé vẫn đang học cách nhai và nuốt thức ăn. Các bé từ 6 đến 7 tháng tuổi đã có thể cắn thức ăn bằng răng cửa, nhưng thường là phải sau khi tròn 4 tuổi thì mới có thể nhai được thành thạo - khi này tất cả răng hàm đã mọc lên và bé đã có thời gian để tập luyện. Những mẩu thức ăn chưa nhai có thể chặn đường thở hoặc có thể bị lọt vào phổi của bé.
Do đó, cha mẹ cần cẩn thận với những đồ vật nhỏ, đừng để con chơi với những thứ như là cúc áo, đồng xu, kim băng, nắp chai… bất cứ thứ gì có đường kính nhỏ hơn 3,2 cm hoặc ngắn hơn 5,7cm, vì trẻ nhỏ có thể cho vào miệng và bị hóc, nghẹn.
Theo Khampha