Bị méo mồm sau khi ngủ dậy

Liệt dây thần kinh số 7 ngoại biên là bệnh thường gặp vào mùa lạnh, tuy nhiên mùa hè trẻ nhỏ dễ mắc căn bệnh này vì thói quen dùng điều hòa không đúng cách.

Trao đổi với phóng viên, Ths.BS Dương Văn Tâm – Trưởng khoa Liệt vận động và Ngôn ngữ trẻ em (Bệnh viện Châm cứu Trung ương) cho biết, không ít trẻ phải nhập viện điều trị vì bị liệt dây thần kinh số 7 ngoại biên trong những ngày hè.

 


BS Dương Văn Tâm đang tiến hành điện châm cho một bệnh nhi.

Trường hợp của cháu Quách Thị Thu H. (4 tuổi, ở Quốc Oai, Hà Nội) là một ví dụ điển hình. Theo chia sẻ của chị Hồng (mẹ cháu H.), đợt nắng đỉnh điểm vừa qua trúng vào đợt trường mầm non ở xã cho các cháu nghỉ hè. Bởi vậy, gia đình chị “nhốt” con ở trong nhà vì lo sợ con bị ốm.

Tuy nhiên, việc làm này của chị Hồng vô tình đẩy con vào một tai nạn khác. “Hôm đó (ngày 4/6) sau khi ngủ trưa dậy thấy con có hiện tượng cười bị méo mồm, sau đó 1 tiếng thấy con có nhiều biểu hiện lạ khác như rơi vãi nhiều khi ăn, mắt không nhắm được kín. Thấy vậy tôi có hỏi cháu xem có bị ai đánh không thì cháu nói ngọng kiểu ú ớ. Hoảng quá tôi vội vàng cho cháu lên bệnh viện nhi khám”, chị Hồng chia sẻ.

Sau khi thăm khám và chụp cộng hưởng từ, các bác sĩ đã kê đơn thuốc về điều trị ngoại trú. Sau 3 ngày không đỡ, gia đình định đưa cháu H. lên viện Nhi khám thì được một người quen khuyên nên đưa đến bệnh viện y học cổ truyền châm cứu là khỏi.

“Tôi đưa cháu đến viện châm cứu khám, các bác sĩ chẩn đoán bị liệt dây thần kinh số 7, đến nay sau gần 1 tuần điều trị cháu đã đỡ được 7-8 phần”, chị Hồng nói.

 


Ngủ điều hòa quá lạnh trẻ dễ bị liệt dây thần kinh số 7 ngoại biên.

Không nên để điều hòa quá lạnh

Dẫn chúng tôi sang một phòng bệnh khác, BS Tâm cho biết, cháu bé Phạm Mỹ D. 26 tháng tuổi cũng bị liệt dây thần kinh số 7 ngoại biên.

Theo chia sẻ của bố cháu D., hiện cháu đã ra Hà Nội điều trị được 2 tháng và đã đỡ được 4-5 phần, cháu đã ăn được nhưng khi cười vẫn bị méo miệng.

“Trong Quảng Ngãi thời tiết khá nóng nực, nhà tôi thường xuyên dùng điều hòa và để nhiệt độ khoảng 20-22 độ. Một hôm cháu ngủ dậy, tôi phát hiện cháu bị liệt một bên mặt, lo lắng quá gia đình đi chạy chữa một số nơi, trong đó có cả tây y nhưng không khỏi dứt điểm.

Đến nay sau 2 liệu trình điều trị (mỗi liệu trình khoảng 4-5 tuần), con tôi đã đỡ được nhiều. Hy vọng 1-2 liệu trình điều trị nữa là cháu quay trở lại như bình thường”, bố cháu D. chia sẻ.

 


Sau 2 liệu trình điều trị ở BV Châm cứu Trung ương, cháu D. bị liệt dây thần kinh số 7 ngoại biên đã đỡ được 4-5 phần.

BS Tâm cho biết, liệt dây thần kinh số 7 ngoại biên trong đông y thường gọi là bệnh do phong hàn. “Bệnh thường xảy ra đột ngột không có dấu hiệu báo trước, khi bị thường có biểu hiện méo mồm, ăn uống rơi vãi, không huýt sáo được, đọng thức ăn ở một bênh, nhắm mắt không kín…”, BS Tâm chia sẻ.

Theo BS Tâm, khi mắc bệnh này, nhiều gia đình đưa con đến viện và được chỉ định chụp cộng hưởng từ, vì nghĩ trong não có vấn đề. Tuy nhiên, nếu có những biểu hiện trên thì việc chụp cộng hưởng từ là không cần thiết và gây lãng phí.

“Đối với đông y, liệt dây thần kinh số 7 ngoại biên có thể chữa trị được hoàn toàn và không để lại di chứng. Có thể điều trị bằng cách điện châm, thủy châm, cứu ngải, xoa bóp, chiếu điện…”, BS Tâm thông tin.

BS Tâm khuyến cáo người dân, đặc biệt là trẻ nhỏ không nên nằm điều lạnh, nên để nhiệt độ trong phòng chênh lệnh so với ngoài trời khoảng 5 -7 độ C. Còn trong mùa đông, nên chú ý giữ ấm cơ thể, không nên ra lạnh quá đột ngột…

“Dù là bệnh lành tính, thậm chí tự khỏi nhưng khi mắc mọi người cũng không nên chủ quan, không chữa theo phương pháp của các thầy lang vì dễ gây nên biến chứng nguy hiểm”, BS Tâm cảnh báo.

Theo Khám Phá