Ngày 11/3, bác sĩ chuyên khoa II Nguyễn Minh Tiến, Phó giám đốc Bệnh viện Nhi đồng Thành phố (TP.HCM), cho biết đơn vị này đang điều trị cho bé gái 15 tháng tuổi, ngụ tại Bạc Liêu, mắc tay chân miệng biến chứng rất nặng.

Gia đình bệnh nhi cho bé biết trước đó, trẻ xuất hiện sốt liên tục trong vòng 3 ngày không thuyên giảm. Lòng bàn chân, bàn tay của trẻ nổi nhiều hồng ban, mụn nước.

Bé gái đột ngột nguy kịch sau 3 ngày sốt cao-1

Khi được chuyển đến bệnh viện địa phương, bé rơi vào tình trạng lơ mơ, tím tái, tay chân lạnh, da nổi bông. Các bác sĩ chẩn đoán trẻ mắc tay chân miệng độ 4, diễn tiến nặng suy hô hấp tuần hoàn.

Bệnh nhi được đặt nội khí quản, thở máy, chống sốc, dùng thuốc vận mạch. Tuy nhiên, bé sốt cao liên tục, tình trạng diễn tiến nặng. Các bác hội chẩn và chuyển bé đến Bệnh viện Nhi đồng Thành Phố để hỗ trợ lọc máu liên tục.

Sau khi được chuyển lên tuyến trên, bé tiếp tục được hỗ trợ thở máy, dùng thuốc vận mạch liều cao, truyền gammaglobuline và lọc máu liên tục. Sau 2 ngày được hồi sức tích cực, tình trạng sức khỏe của trẻ cải thiện dần, hết sốt, nhịp tim trở về bình thường và được cai máy thở sau đó.

Tay chân miệng (hand-foot-mouth disease) là bệnh truyền nhiễm lây từ người sang người, dễ gây thành dịch. Bệnh lây chủ yếu theo đường tiêu hoá. Nguồn lây chính từ nước bọt, phỏng nước và phân của trẻ nhiễm bệnh. Bệnh rải rác quanh năm ở hầu hết địa phương. Mọi lứa tuổi đều có thể mắc bệnh nhưng thường thấy ở trẻ dưới 5 tuổi. Đặc biệt, bệnh tập trung ở nhóm tuổi dưới 3.

Bệnh tay chân miệng có diễn biến nhanh và nhiều biến chứng nguy hiểm. Phụ huynh có thể nhận biết trẻ mắc bệnh qua các dấu hiệu như sốt (sốt nhẹ hoặc sốt cao), tổn thương da (rát đỏ, mụn nước ở họng, quanh miệng, lòng bàn tay, lòng bàn chân, mông, đầu gối,…).

Khi phát hiện con mắc bệnh, gia đình nên đưa bé đến khám tại các cơ sở y tế, đặc biệt là chuyên khoa truyền nhiễm trẻ em để được tư vấn kỹ hơn về cách chăm sóc, phát hiện triệu chứng nặng, tránh hậu quả đáng tiếc.

Theo Zing