Lầm tưởng rắn hoa cổ đỏ - "nữ hoàng bóng đêm" không có độc
Hôm qua (6/4), câu chuyện bé gái 15 tháng tuổi ở Tiền Giang bị rắn hoa cổ đỏ cắn tử vong gây xôn xao dư luận. Bởi lẽ từ xưa đến nay, mọi người thường cho rằng loài rắn này không có độc. Thậm chí, nhiều người còn chọn nuôi chúng như một kiểu "thú cưng" vì thích màu sắc sặc sỡ của loài bò sát được gọi tên "nữ hoàng bóng đêm".
Trên thực tế, loài rắn này có nọc độc vô cùng nguy hiểm. Chúng không tự sản xuất nọc độc nhưng lại có khả năng tích lũy nọc độc từ các loại động vật mà chúng ăn thịt như cóc độc, rết... Lượng nọc độc tích lũy đủ mạnh để giết người. Trên thế giới, rắn cổ đỏ được xếp vào họ hàng rắn độc.
Bác sĩ Đinh Tấn Phương, Trưởng khoa Cấp cứu Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP HCM) cho biết, loài rắn này có 2 chiếc răng bơm chất độc nằm sâu trong hàm nên nếu bị cắn phớt qua, nạn nhân có thể không dính răng bơm nọc độc.
Đây cũng chính là lý do khiến nhiều người lầm tưởng "nữ hoàng bóng đêm" là loài bò sát hiền lành.
Nanh độc của rắn hoa cổ đỏ nằm sâu trong hàm
Các nghiên cứu khoa học cho biết, ngoài 2 răng nanh có chứa nọc độc thì rắn hoa cỏ cổ đỏ còn tồn tại một tuyến nọc khác, được gọi là Nuchal. Tuyến nọc này có khả năng vô cùng đặc biệt, đó là giữ lại những nọc độc từ con mồi mà chúng ăn thịt sau đó tổng hợp lại để trở thành nọc độc của chính con rắn.
Nói cách khác, thức ăn của "nữ hoàng" càng độc nhiều thì nọc độc của rắn sẽ càng nguy hiểm.
Triệu chứng xuất hiện khi trúng độc rắn hoa cổ đỏ
Bản thân rắn hoa cổ đỏ có tập tính thất thường. Đa số chúng đều hiền lành, thậm chí để sẵn sàng cho con người chạm vào, cầm trên tay làm thú vui. Nhưng cũng có khi trái gió trở trời, chúng bỗng nhiên hung dữ và tấn công bất cứ đối tượng nào, đặc biệt gần thời điểm sinh sản.
Những người không may bị trúng nọc độc từ răng nanh phía sau của rắn hoa cổ đỏ có thể nhanh chóng bị xuất huyết nội tạng, bao gồm xuất huyết não, buồn nôn, rối loạn đông máu,... dẫn tới suy hô hấp, thậm chí tử vong.
Rắn hoa cổ đỏ thường xuất hiện ở đâu?
Ghi nhận của Dân Trí, trong một số tài liệu ghi chép, rắn hoa cổ đỏ có tầm hoạt động khá rộng. Chúng thường săn mồi ở các khu vực ruộng lúa nước hoặc nơi có dòng chảy chậm, thậm chí ở ao hồ, đập nước và khe suối.
Thời gian hoạt động của rắn hoa cổ đỏ thường vào ban ngày. Thức ăn chủ yếu là cóc, ếch, nhái.
Hiện trên thế giới chưa tìm ra được huyết thanh có tác dụng kháng lại nọc độc do loài rắn này cắn phải. Chính vì vậy, người dùng cần đặc biệt cảnh giác, không nên nuôi các loài động vật hoang dã, đặc biệt là rắn đề tránh rủi ro có thể xảy ra.
Bên cạnh đó, nọc của rắn độc đa số không bị biến đổi bởi nhiệt, axit, rượu... nên cần đặc biệt lưu ý không được dùng xác chúng để ăn hay ngâm rượu.
Khi bị "nữ hoàng bóng đêm" cắn, nạn nhân cần rửa sạch vết thương và di chuyển một cách nhanh nhất tới cơ sở y tế. Đặc biệt, người nhà không được garo vết thương (cầm máu bằng dây cao su hoặc dây vải xoắn chặt ) vì có thể gây nhiễm độc thần kinh; càng không được đắp lá cây cầm máu theo quan niệm dân gian vì có thể dẫn tới nhiễm trùng.
HT
Theo Vietnamnet