Một phần cánh tay của cháu bé bị chó cắn- Ảnh từ FB BS. Ngô Đức Hùng
Thông tin được cảnh báo từ Facebook BS. Ngô Đức Hùng (Hung Ngo), Khoa Cấp cứu BV Bạch Mai.
BS. Hùng cho biết: "Hôm nay (22/7) một cháu bé 10 tuổi được người nhà đưa đến Khoa cấp cứu trong tình trạng chó nhà cắn nát tay, có cả vết thương sau gáy, cháu bé bị mất nhiều máu, vết thương sâu đến tận xương. Sau khi cấp cứu bệnh nhân đã được chuyển sang khoa ngoại để các bác sĩ theo dõi và tiếp tục điều trị."
Ba ngày trước tại BV Việt Đức một cháu bé 8 tháng tuổi ở Hà Nội bị chó ngao Tây Tạng cắn tử vong.
Đặc biệt cần lưu ý, trong những năm gần đây bệnh dại đang quay trở lại. Cách đây hơn 1 tháng, 1 bác sĩ thú y trẻ tại Hà Nội tử vong vì bệnh dại do bị chó dại cắn nhưng không tiêm phòng.
Theo BS. Hùng, thời gian gần đây tai nạn do vật nuôi cắn đặc biệt là chó bắt đầu xuất hiện nhiều. Hiện nay nhiều gia đình ở các thành phố lớn theo trào lưu nuôi chó dữ làm cảnh, ra đường không rọ mõm gây sợ hãi và nguy hiểm cho người đi đường.
Theo BS. Hùng, người dân có thể nuôi chó nhưng phải tiêm phòng đầy đủ, chó phải được thuần dưỡng, đặc biệt là không được nuôi giống chó dữ, nhất là những gia đình có trẻ em. Khi đưa chó ra ngoài phải rọ mõm để không cắn người.
Các bác sĩ khuyến cáo, khi bị chó cắn, không nặn bóp, bôi dầu hỏa hoặc các chất kích thích hoặc đắp lá vào vết thương. Người bị chó cắn phải đến ngay các điểm tiêm vắc xin phòng dại để được khám, xử lý vết thương theo quy trình khi bị súc vật cắn.
Bệnh nhân sẽ được tư vấn tiêm vắc xin dại hoặc tiêm cả huyết thanh kháng dại để phòng bệnh dại. Người bị chó mèo cắn phải rửa ngay vết thương và đi khám, tiêm vắc xin phòng dại càng sớm càng tốt.
Theo Infonet