Bệnh nhi nhỏ tuổi nhất là bé N.M K (17 tháng tuổi, nam, Bắc Ninh). Bé được bố cho ăn lạc rang, sau đó bị sặc và tím tái, thiếu oxy. Người nhà vội đưa trẻ đi sơ cứu ở Trung tâm y tế huyện. Tại đây, bé được đặt nội khí quản rồi chuyển đến Bệnh viện Nhi Trung ương.

Tiếp nhận bệnh nhi, các bác sĩ Bệnh viện Nhi Trung ương tiến hành nội soi phế quản và phát hiện 1/2 hạt lạc tại khí quản, chiếm gần hết khẩu kính đường thở. Phải mất hơn 1 giờ đồng hồ để phá hạt lạc thành nhiều mảnh nhỏ, và lấy được hết dị vật ra ngoài.

Trường hợp thứ hai là bé gái N.N.M.C (21 tháng tuổi, Nam Định) được mẹ cho ăn kẹo lạc khi đang đi xe máy, sau đó con bị sặc, ho, khó thở, tím tái.

Bé trai 17 tháng tuổi nguy kịch, suýt mất mạng vì ăn lạc rang-1

Gia đình đưa đi cấp cứu tại bệnh viện huyện, được đặt nội khí quản và chuyển lên Bệnh viện Nhi Trung ương. Tại đây, cháu bé được tiến hành gắp dị vật, sau đó tiếp tục phải thở máy trong 2 ngày.

Trường hợp thứ ba là N.P.M (21 tháng tuổi, Bắc Giang), bị mắc dị vật là hạt lạc hơn một tuần ở phế quản gốc bên phải, gây viêm và tổ chức sùi che lấp dị vật, khiến việc tiếp cận lấy dị vật rất khó khăn.

Theo lời kể từ người nhà, cháu bé này bị hóc khi ăn hạt lạc gây ho sặc sua, gia đình móc họng lấy ra được một ít mảnh hạt lạc học ở cuống họng nên nghĩ là hết rồi và không đưa đi khám. Mấy ngày sau bé vẫn chơi bình thường, nhưng ăn uống ít đi, ho nhiều, mỗi khi khóc là khó thở.

Tiếp đó bé sốt cao 39, 40 độ không hạ, gia đình có đưa con đi phòng khám rồi đi bệnh viện huyện, các bác sĩ cũng kê đơn thuốc rồi điều trị nhưng không đỡ nên chuyển lên Bệnh viện Nhi Trung ương.

Hiện tại các bác sĩ Trung tâm Hô hấp của Bệnh viện Nhi Trung ương đang tiến hành điều trị nội khoa để giải quyết tình trạng viêm và nội soi gắp dị vật sau vài ngày.

Theo An ninh thủ đô