Chiều nay (31/8), thông tin từ Bệnh viện Chấn thương Chỉnh hình TP.HCM cho biết, trong 2 tháng vừa qua, đơn vị đã tiến hành 5 lần phẫu thuật cho một bệnh nhi gặp tai nạn thương tâm.
Cụ thể, bệnh nhi là bé H.M.N.S. (5 tuổi, ngụ huyện Bình Chánh, TP.HCM).
Trước đó, vào khoảng 8h sáng ngày 12/6, bé S. đang chạy nhảy gần xe nâng hàng đang hoạt động thì bất ngờ bị càng xe năng xắn vào người, cắt đứt lìa bàn chân phải.
Bàn chân của bé S. bị xe năng cắt đứt lìa. Ảnh Nhịp Sống Việt
Thấy vậy, người nhà nhanh chóng chạy lại, lấy phần chân bị đứt lìa bỏ trực tiếp vào thùng đá, băng vết thương rồi đưa bé S. đến Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP.HCM) cấp cứu. Tại đây, các bác sĩ dùng ni lon bọc bàn chân rồi chuyển tới Bệnh viện Chấn thương Chỉnh hình TP.HCM vào giờ thứ 2 sau tai nạn.
Thời điểm nhập viện bé vẫn tỉnh và khóc nhiều.
Sau khi thăm khám, bác sĩ xác định bệnh nhi bị đứt lìa ngang qua 2/3 trước bàn chân lộ gân xương. Bệnh nhi được xử lý săn sóc tại chỗ vết thương chống nhiễm trùng, truyền dịch, dùng kháng sinh và được lên kế hoạch cho một cuộc mổ khẩn cấp để nối lại bàn chân khi còn "thời gian vàng".
Ảnh chụp phim ghi nhận bệnh nhi bệnh nhi bị đứt lìa ngang qua 2/3 trước bàn chân lộ gân xương.
Các bác sĩ tiến hành cắt lọc sạch vết thương, cắt ngắn xương, kết hợp các xương gãy, khâu nối các động tĩnh mạch bị đứt và khâu lại da.
Sau 6 tiếng, ca mổ đầu tiên kết thúc vào 18h30 ngày 12/6, bệnh nhi được truyền 500ml máu.
Được biết, để cứu bàn chân đứt lìa, các bác sĩ phải thực hiện 5 lần phẫu thuật. Lần 1: Nối vi phẫu bàn chân và truyền 500 ml máu. Lần 2: Nối ghép mạch máu bị tắc (tĩnh mạch) và truyền 250 ml máu. Lần 3: Cắt lọc da hoại tử sau 2 tuần. Lần 4: Cắt lọc da hoại tử lần thứ 2 sau 1 tuần. Lần 5: Ghép da sau 1 tháng bị tai nạn. Hiện bé S. đã được xuất viện.
Bàn chân được cứu hoàn toàn sau 1.5 tháng ròng rã điều trị. Ảnh Nhịp Sống Việt
Theo bác sĩ tại Bệnh viện Chấn thương Chỉnh hình TP.HCM, đây là trường hợp rất hy hữu vì bé S. đứt lìa bàn chân do sự bất cẩn của gia đình.
Khi bé nhập viện, các bác sĩ tưởng đã không thể giữ được bàn chân của bé vì ở trẻ em mạch máu rất nhỏ, hết sức khó khăn khi thực hiện thao tác khâu nối siêu vi phẫu.
Qua đây, các bác sĩ đưa ra lời cảnh báo cho các bậc phụ huynh, cần chú ý đến trẻ nhiều nhỏ nhiều hơn, không được để các bé vui chơi ở những nơi có máy móc nguy hiểm, đặc biệt là gia đình có cơ sở sản xuất tại nhà để tránh xảy ra tai nạn ngoài ý muốn.
HT (t/h)
Theo Vietnamnet