Theo đó, em H.H.D., học sinh lớp 5, sống tại đường Nguyễn Trãi, phường Hạ Đình, quận Thanh Xuân, mất tại nhà vào khoảng 7h30’ ngày 10/9.

Thời gian đó, mẹ cháu đã đi làm, bố ra ngoài có việc riêng. Trong lúc bố ra ngoài, ở nhà có hai anh em gồm cháu H.H.D. và em gái đang học lớp 3.

Bé trai học online bị điện giật: Hết tiết 2, giáo viên không thấy học sinh!-1
Hiện trường vụ việc.

Theo lịch học hàng ngày của lớp, 7h50’ học sinh vào phòng học để điểm danh và 8h bắt đầu tiết học đầu tiên, giáo viên chủ nhiệm báo cáo sĩ số với Ban Giám hiệu nhà trường.

Sáng 10/9, do đường truyền mạng không ổn định nên cô giáo chủ nhiệm và một số học sinh không vào được phòng học lúc đầu giờ sáng. Sau khi hết tiết 2 vào khoảng 9h15’, cô giáo chủ nhiệm vào phòng học, không thấy học sinh nên đã gọi điện cho phụ huynh học sinh nhưng không liên lạc được.

Khoảng 11 giờ, sau khi nắm được vụ việc, giáo viên chủ nhiệm đã báo cáo với Ban Giám hiệu nhà trường.

Được biết, bé D. tham gia lớp học từ ngày 6/9/2021. Sau sự việc thương tâm, trường Tiểu học Thái Thịnh yêu cầu giáo viên chủ nhiệm phổ biến những điều cần lưu tâm để hỗ trợ và bảo đảm an toàn cho học sinh trong thời gian học trực tuyến tại nhà.

Công an TP. Hà Nội xác định, nguyên nhân tử vong do bé trai dùng que ngoáy tai bằng sắt chọc một đầu vào dây nguồn của laptop rồi cầm chọc vào ổ điện, dẫn đến bị điện giật tử vong. Cháu được gia đình đưa đi cấp cứu tại Bệnh viện Đống Đa nhưng không qua khỏi.

Tối 10/9, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội cho biết đã khẩn trương chỉ đạo Phòng GD&ĐT quận Thanh Xuân kiểm tra, xác minh sự việc. Đồng thời gửi lời chia buồn tới gia đình học sinh bị tai nạn, chỉ đạo Phòng GD&ĐT quận Đống Đa cùng nhà trường thăm hỏi, chia buồn và hỗ trợ gia đình học sinh.

Ông Phạm Xuân Tiến, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội chia sẻ, những tai nạn thương tích xảy ra trong hay ngoài nhà trường với học sinh đều hết sức đau lòng và một lần nữa nhắc nhở mỗi gia đình, nhà trường cần hết sức lưu tâm trong việc phòng ngừa, bảo vệ con trẻ.

Trong thời gian học sinh và trẻ mầm non tạm dừng đến trường để phòng, chống dịch Covid-19, việc phòng tránh tai nạn thương tích cho trẻ và học sinh cần có sự quan tâm phối hợp chặt chẽ từ phía nhà trường và cha mẹ học sinh, gia đình học sinh.

Đặc biệt là sự đôn đốc, nhắc nhở thường xuyên từ giáo viên chủ nhiệm hướng dẫn phụ huynh, học sinh các kỹ năng phòng tránh tai nạn thương tích có thể xảy ra như điện giật, đuối nước, cháy nổ...

Theo Pháp Luật và Bạn Đọc