Tiên lượng rất xấu, khả năng bị đa chấn thương, thiếu dưỡng khí
Liên quan vụ bé trai 10 tuổi lọt xuống trụ bê tông sâu 35m, chiều 2/1, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp Đoàn Tấn Bửu chia sẻ với VTC, phương pháp cứu hộ hiện nay là làm giảm áp lực, ma sát để cẩu trụ bê tông lên rồi cứu hộ bước 2.
Hiện tại lực lượng cứu hộ có trên 200 người đang nỗ lực ngày đêm để cứu cháu bé.
Ngành chức năng đang tập trung cho công tác cứu hộ.
Về trình trạng cháu bé, ông Bửu cho hay đang tập trung vào công tác cứu hộ để nhanh chóng đưa trụ bê tông lên khỏi mặt đất; chưa thăm dò trong lòng ống. Địa phương đã chuẩn bị sẵn sàng các phương án hỗ trợ cho cháu bé và gia đình.
“Đây là tình huống em bé rơi trong lòng ống hẹp ở độ sâu dự kiến khoảng 35m. Với độ sâu như vậy em bé có thể bị đa chấn thương. Sẽ không đảm bảo thông khí. Trong điều kiện lạnh mà không được ăn uống thì tiên lượng rất xấu.
Địa phương cũng có phương án cấp cứu tại hiện trường. Mức độ xấu hơn thì cũng đã có phương án để khi cứu hộ, chúng ta sẵn sàn phương án hỗ trợ cho bé, hỗ trợ gia đình tốt nhất”, ông Đoàn Tấn Bửu thông tin.
Lực lượng công binh vào cuộc giải cứu
Cũng trong chiều nay, ông Đoàn Tấn Bửu - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp xác nhận với Zing, đây là tình huống khẩn cấp, do đó các lực lượng chuyên môn đang tập trung tại đây, cùng với các thiết bị chuyên dụng, đang làm việc khẩn trương để rút ngắn đối đa thời gian cứu hộ.
Tỉnh hy vọng sớm có kết quả để giảm áp lực lo lắng cho gia đình.
Hơn 10 cán bộ, chiến sĩ lực lượng công binh mang theo nhiều thiết bị chuyên dụng đến hiện trường.
"Hiện lực lượng PCCC, bộ đội, công an khoảng 200 người. Tuy nhiên, việc cứu hộ này ở địa phương từ trước đến nay chưa có tiền lệ. Do đó, Quân khu 9 đã cử lực lượng công binh cùng thiết bị chuyên dụng đến đây để hỗ trợ như nội soi thăm dò, thiết bị cưa cắt các khối bê tông… để khi cần đến có sẵn để ứng phó.
Ngoài ra, giải pháp làm thế nào để sớm đưa được ống cọc mà cháu bé lọt vào sớm đưa lên sau đó để cứu hộ bằng các giải pháp tiếp theo bằng thiết bị chuyên dụng trên mặt đất" - ông Bửu nói với Tiền Phong.
Cũng theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp, cháu bé rơi trong lòng ống hẹp. Việc rơi từ độ cao từ trên thẳng xuống như vậy có khả năng cháu bé bị đa chấn thương.
Ngoài ra, trong trụ bê tông không đảm bảo không khí, điều kiện lạnh và không được ăn uống nên tiên lượng rất xấu. Do đó, ở địa phương có tính đến khả năng xử lý cấp cứu tại hiện trường hoặc mức độ xấu hơn thì cũng đã có phương án sẵn sàng hỗ trợ cho bé và gia đình.
Hiện tại các đơn vị tập trung làm mềm các phần đất xung quanh để giảm bớt bám dính ma sát. Khi thấy đủ điều kiện, lực lượng cứu hộ sẽ đưa ống bê tông lên bằng các thiết bị chuyên dụng rồi tiến hành thăm dò trong lòng ống vị trí của cháu bé để tiến hành cưa cắt cứu hộ.
Phương án khoan, bơm nước và dùng hệ thống cẩu kéo trụ bêtông lên. Đồ hoạ: Khánh Hoàng
Trước đó, khoảng 11h30, ngày 31/12, bé Thái Lý Hào Nam (10 tuổi) cùng các bạn trong xóm vào công trình cầu Rọc Sen (đường tỉnh lộ 857, xã Phú Lợi) để nhặt sắt. Lúc đi qua công trình đang thi công, bé Nam lọt xuống trụ bê tông (đường kính 25cm, rỗng bên trong, đã đóng xuống đất sâu khoảng 35m).
Các em đi cùng hô hoán để người lớn ứng cứu nhưng bất thành. Khoảng 30 phút sau khi xảy ra vụ việc, lực lượng cứu hộ có mặt, triển khai nhiều phương án để cứu bé trai. Sau đó, chính quyền tỉnh Đồng Tháp đã huy động hàng trăm người tham gia cứu hộ.
Sau hơn 48h, công tác cứu hộ vẫn đang diễn ra.
MT (t/h)
Theo Vietnamnet