Tổng đài tư vấn y tế của nước Anh NHS hiện đang ở trong tình trạng khủng hoảng nhân sự trầm trọng. Thời điểm này, đa số các nhân viên tư vấn trong trung tâm chỉ trải qua 3 tuần đào tạo sau đó được giao cho làm việc với khoảng 2,3 triệu người. Chính vì lẽ đó nên đã có những trường hợp sai sót vô cùng thương tâm xảy ra.

Một trong số đó có bé trai 11 tuần tuổi Sebastian Randle thiệt mạng vì lời khuyên sai từ một nhân viên y tá qua tổng đài tư vấn y tế. Theo đó, khi bố của bé Randle gọi điện tới yêu cầu trợ giúp, mặc dù đã đề cập rất nhiều lần tới tình trạng sốt cao tới 39 độ của bé nhưng cô nhân viên ở đầu dây bên kia chỉ tập trung qua loa chữa một vài triệu chứng ho của bệnh nhân mà thôi. Cô điện thoại viên chỉ khuyên cha mẹ hãy chú ý đến việc giữ cậu bé tránh lạnh và chú ý cẩn thận nếu bé có biểu hiện xấu đi.

Sau 11 tiếng, cha mẹ của cậu bé nhận thấy là cơ thể cậu bé đang phát ban đỏ và gọi điện ngay cho tổng đài tư vấn nhưng đã quá muộn. Cậu bé tội nghiệp đã ra đi vào ngày hôm sau. Cha của Randle nói rằng: "Tôi chỉ nghĩ đó là cảm nhẹ, và khi gọi đến tổng đài thì tôi thấy rằng bé bị sốt cao. Tôi đã cố nhắc lại nhiều lần về tình hình đó nhưng dường như người trực tổng đài không nghe thấy".

Sau sự mất mát đau đớn, hai vợ chồng đã có cậu con trai thứ hai là Max, 10 tháng tuổi, nhưng họ đã “mất hết niềm tin” vào dịch vụ tư vấn y tế qua tổng đài. Tại cuộc điều tra được mở ra sau sự việc, cô gái trực ngày hôm đó đã thừa nhận sự tắc trách của mình và xin lỗi gia đình nạn nhân, nhưng tất cả bây giờ có là gì khi người không còn nữa.

Bé Sebastian Randle đã tử vong vì sốt qua cao trong khi các nhân viên y tế trực tổng đài không hề để ý tới biểu hiện bệnh của cậu bé

Đó chưa phải là trường hợp duy nhất. Cậu bé thứ hai là William 1 tuổi cũng qua đời vì mẹ cậu là Melissa Meed, nhận được một lời khuyên sai qua tổng đài Tư vấn Y tế.

William bị nhiễm độc máu và tràn khí trong phổi nhưng khi mẹ của cậu gọi cho tổng đài tư vấn thì câu trả lời nhận được chỉ là: “hãy tìm kiếm thêm thông tin qua Google”. Tất nhiên, người phụ nữ này đã đi theo “lối mòn” từ những hướng dẫn trên máy tính của tổng đài thay vì gọi xe cấp cứu để đưa bé đến bệnh viện.

Không dừng lại ở đó, người trực tổng đài còn khuyên hãy đặt cậu bé trên nệm để bé có thể phục hồi. Nhưng sau vài tiếng đồng hồ, bà Melissa nhận ra rằng cậu con trai mình đã không còn thở nữa. Lúc này, Melissa mới cuống quýt gọi cấp cứu nhưng tất cả đã quá muộn.

Tuy nhiên, có một điều cần phải thừa nhận và rút kinh nghiệm đó là sự chủ động của những ông bố bà mẹ. Nếu trong trường hợp con mình có những biểu hiện bất thường và kéo dài thì tốt nhất nên đưa các bé tới bệnh viện để được thăm khám kịp thời, tránh làm theo hướng dẫn sơ qua của tổng đài.

Cậu bé William tội nghiệp

Bà Melissa nói rằng trong nhà bà vẫn còn rải rác các đồ chơi của cậu bé William, bà cho biết đường dây hỗ trợ như một “trò hề”. Mặc dù khi gọi bà đã cố nhấn mạnh rằng William đang đau nghiêm trọng nhưng họ chỉ cho là trường hợp của William không khẩn cấp và không điều xe cấp cứu đến. Bà cho rằng “Khi xử lý cuộc gọi cần phải chú ý đến những biểu hiện chi tiết của bệnh nhân”.

Theo Trí thức trẻ