Cô dâu không có quyền lựa chọn
Giữa cái nóng như thiêu đốt của một buổi chiều tháng 7 tại bang Bihar, miền Đông Ấn Độ, một người đàn ông trong chiếc áo sơ mi hồng và quần âu đang lo lắng chờ đợi dưới một gốc cây. Đó là một ngày trọng đại đối với anh.
Nirbhay Chandra Jha, 35 tuổi, đi hơn 100km từ Begusarai đến quận Madhubani với hy vọng tìm được một cô dâu phù hợp ở Saurath - ngôi làng nổi tiếng với sự kiện "sabha", hay còn gọi là "chợ chú rể”.
Nirbhay cho biết, anh chỉ mong muốn nhà gái tặng cho mình của hồi môn khiêm tốn, khoảng 50.000 rupee (630 USD). “Nếu trẻ hơn, tôi đã yêu cầu số của hồi môn nhiều hơn, khoảng 200.000 - 300.000 rupee (2.500-3.700 USD)”, người đàn ông nói.
Nirbhay làm quản lý tại một nhà máy với thu nhập ổn định. Anh tin rằng mình là mình là một người chồng lý tưởng.
Gần chỗ Nirbhay đứng, khoảng 20 người đàn ông đang ngồi dưới tán cây, bình tĩnh thảo luận về sự xuất hiện của các ứng cử viên trong chợ chú rể năm nay.
Mặc dù những truyền thống như vậy phần lớn đã biến mất ở Ấn Độ, nhưng chợ chú rể ở Madhubani vẫn tồn tại tới tận ngày nay.
Trong truyền thống 700 năm tuổi độc đáo này, những người đàn ông có nguyện vọng sẽ đứng chờ trong đám đông.
Những người giám hộ nam của các cô gái, thường là cha hoặc anh trai, sẽ lựa chọn chú rể. Nói chung, cô dâu không có tiếng nói trong quá trình này.
Người dân địa phương cho biết, gia đình các cô dâu tương lai tới thăm làng mà không tuyên bố ý định và ngầm quan sát những người đàn ông từ xa.
Khi đã lựa chọn xong, họ đặt một chiếc khăn choàng màu đỏ lên người đàn ông được chọn để tuyên bố công khai về quyết định của mình.
"Như thể nhà gái đang sắm một chú rể mà họ thích cho cô dâu nếu họ đủ tiền trả của hồi môn theo yêu cầu", một người đàn ông sống ở ngôi làng liền kề nói.
Hủ tục cần xóa bỏ
Nhìn bề ngoài, hiện tại những người đàn ông chủ yếu đến từ các ngôi làng chân quê, những người có quan tâm đặc biệt đến việc giữ gìn văn hóa truyền thống.
Song khu chợ chú rể thực chất là tàn tích còn sót lại của một thời hôn nhân sắp đặt. Dù lượng chú rể tới chợ mỗi năm ngày một ít đi, phong tục này vẫn chưa hoàn toàn bị xóa sổ.
Không chỉ vậy, chợ chú rể còn liên quan tới một hủ tục khác – yêu cầu của hồi môn. Mặc dù đòi của hồi môn là bất hợp pháp ở Ấn Độ, nhưng nó lại rất phổ biến và được xã hội chấp nhận, đặc biệt là ở bang Bihar và bang lân cận Uttar Pradesh.
Các chuyên gia ước tính mỗi năm tổng số tiền mà người dân Ấn Độ chi cho của hồi môn lên tới 5 tỷ USD - bằng với chi tiêu hàng năm của chính phủ cho y tế công cộng.
“Ngày nay, của hồi môn không được nhìn nhận tích cực nhưng việc này vẫn diễn ra lén lút. Nhiều bậc cha mẹ nghĩ rằng họ đã đầu tư tiền để con trai trở thành kỹ sư hoặc bác sĩ, nên họ muốn được hoàn lại 'vốn' và của hồi môn được coi là một trong những cách để làm điều đó”, Shekhar Chandra Mishra, một trong những người tổ chức chợ chú rể cho biết.
Hủ tục đòi của hồi môn đã gây ra nhiều vụ việc thương tâm tại Ấn Độ. Nhiều phụ nữ đã bị gia đình chồng đánh đập, thậm chí là sát hại do không thể trả hết tiền hồi môn.
Theo dữ liệu của Cục Hồ sơ Tội phạm Quốc gia, trên khắp Ấn Độ ghi nhận hơn 8000 trường hợp tử vong do tranh chấp của hồi môn.
Mới đây, chính quyền bang Bihar đã kêu gọi người dân tẩy chay việc đòi hỏi của cải trước hôn nhân. Trên các bức tường tại đây, không khó để bắt gặp các bức tranh cổ động tẩy chay của hồi môn.
Theo Công lý và Xã hội