Video của Euronews cho người xem cái nhìn đáng kinh ngạc về điều kiện của các trang trại lông thú. Tác phẩm được quay bí mật ở vùng Ostrobothnia phía Tây của Phần Lan
Những con vật này được nuôi trong lồng khó chịu, mất vệ sinh để đáp ứng nhu cầu đối về cáo Bắc Cực trên khắp thị trường bán lẻ và thời trang cao cấp.
Những đòi hỏi của ngành công nghiệp thời trang đã khiến quyền của động vật bị kìm hãm trong thời gian dài. Đặc biệt, Phần Lan là một trong những quốc gia duy nhất mà loại hình chăn nuôi lông thú này hợp pháp.
Kristo Muurimaa từ nhóm bảo vệ quyền động vật Phần Lan Oikeutta Elaimille - Justice for Animals - chia sẻ: “Có không ít động vật trong những chiếc lồng dây nhỏ cằn cỗi".
Anh cho biết tại đây nhiều con vật bị nhiễm trùng mắt. Đặc biệt, các vết thương khác như chân bị biến dạng là phổ biến. Những con vật này đã được vỗ béo và lai tạo để chúng phát triển với kích thước khổng lồ, gấp ba hoặc bốn lần kích thước tự nhiên của chúng.
Những động vật có vú này thường đi lang thang trong mùa đông hoang dã của Phần Lan
Cuộc sống kinh hoàng
Bác sĩ thú y người Anh Marc Abraham cũng đến thăm trang trại lông thú có mái che. Cáo Bắc Cực có móng mọc dài, khớp cổ tay bị cong khi các con vật cố gắng khiến bản thân bớt khó chịu bằng cách ngồi tựa lưng vào cổ tay của chúng, bị viêm kết mạc do da thừa xung quanh mắt gấp lại và cọ xát vào giác mạc của chúng.
Marc Abraham nói: "Cuộc sống này thật khốn khổ, khủng khiếp đối với những con vật quen sống với xã hội và đi khám phá vùng nông thôn. Đây quả là sự bóc lột tột cùng đối với động vật".
Một vấn đề nghiêm trọng khác ảnh hưởng đến cáo Bắc Cực lông bạc là sự nhàm chán. "Những con vật chỉ đơn giản là không có gì để làm. Chúng là những kẻ săn mồi chưa thực sự được thuần hóa", Kristo Muurimaa nói.
Trong điều kiện tự nhiên, cáo Bắc Cực đi lang thang ở khoảng cách rất xa khi mùa đông đến. Tuy nhiên ở Phần Lan, chúng "lại được nuôi trong những chiếc lồng có diện tích nhỏ hơn một mét vuông".
Quyền động vật
Hiệp hội các nhà lai tạo lông của Phần Lan (FIFUR) đã phản bác rằng "đoạn video đã bị những kẻ xâm phạm quay một cách bất hợp pháp". Trong số hàng nghìn con cáo có một vài con bị bệnh, những người thực hiện đoạn video đã tìm kiếm những con ốm nhất để "tạo ra hình ảnh sai lệch về ngành công nghiệp lông thú".
Những chiếc lồng nơi nuôi nhốt động vật
Bác sĩ thú y Johanna Korpela của FIFUR cho biết: "Điều quan trọng cần lưu ý là những người liên quan đến việc quay phim bí mật và đột nhập các trang trại vào ban đêm gây ra căng thẳng. Họ có thể có hành vi gây rối giữa các loài động vật. Họ cũng gây ra nguy cơ bệnh cấp tính cho động vật khi xâm nhập vào các trang trại. Các nhà hoạt động luôn vi phạm các quy định về vệ sinh trang trại".
Mặt khác, Bộ Nông nghiệp và Lâm nghiệp Phần Lan nói rằng bất kỳ nghi ngờ nào về việc bỏ bê động vật sẽ được điều tra và trong trường hợp khẩn cấp, các thanh tra viên có thể thực hiện hành động trực tiếp để cung cấp dịch vụ chăm sóc thú y.
Ngoại lệ ở châu Âu
Việc chăn nuôi lông thú đã bị cấm, không thể thực hiện được về mặt kinh tế thông qua luật pháp, hoặc đang trong quá trình loại bỏ dần ở hầu hết nước châu Âu. Điều này càng làm cho Phần Lan nổi bật hơn.
Claire Bass, Giám đốc điều hành của Hiệp hội Nhân đạo Quốc tế Vương quốc Anh cho biết Phần Lan là quốc gia có ngoại lệ lớn đối với tất cả loài, không chỉ chó cáo và chó gấu trúc. Họ sản xuất khoảng 96% lông cáo ở EU.
Trong EU, 12 quốc gia thành viên có lệnh cấm hoàn toàn đối với các trang trại lông thú. Đức có lệnh cấm trên thực tế và không sản xuất do các quy định nghiêm ngặt về phúc lợi động vật mà ngành công nghiệp này không thể đáp ứng, như yêu cầu khu vực bơi lội cho chồn và đào chất nền cho cáo.
Đan Mạch, Hungary và Thụy Điển có lệnh cấm một phần đối với một số loài. Trong khi Bulgaria, Ireland, Đan Mạch, Latvia, Lithuania và Tây Ban Nha đều đã cam kết cấm nuôi lông thú hoặc đã bắt đầu các cuộc đối thoại chính trị quan trọng về việc đưa ra lệnh cấm.
Món ăn nhẹ bằng xương nằm trong lồng của động vật
Mua sự tàn nhẫn
Câu hỏi đặt ra là những bộ trang phục lông thú này ở đâu? Chúng xuất hiện trong tủ quần áo của những người tiêu dùng giàu có trên toàn cầu, coi trọng nhãn hiệu của nhà thiết kế.
Claire Bass cho biết đối với lông cáo, Nga là thị trường lớn. Nhiều thứ đến tay người tiêu dùng Nga không nhất thiết phải được bán ở Nga. Nhưng kỳ lạ thay, Hy Lạp cũng là thị trường lớn vì nước này là điểm đến nghỉ mát phổ biến của những người Nga giàu có hơn.
Nhiều đồ lông thú châu Âu vẫn đang được chuyển đến Trung Quốc và Hàn Quốc, một số trong số đó sẽ đến Vương quốc Anh. "Bạn chỉ cần nhìn quanh bộ phận lông thú của Harrod và tìm thấy rất nhiều 'lông cáo Phần Lan' được tự hào tuyên bố trên các thương hiệu thời trang xa xỉ", Claire Bass chia sẻ.
Theo Zing