Bệnh lạ khó lý giải của những nghệ sĩ đại tài

(2Sao) - Bạn có biết danh họa nổi tiếng Van Gogh bị thần kinh còn nhà soạn nhạc Beethoven bị khiếm thính?

Dù mắc những căn bệnh oái ăm, nhưng họ vẫn vượt lên số phận để trở thành những người nổi tiếng mà tên tuổi và những kiệt tác của họ đã ảnh hưởng tới cả thế giới.

Nhà soạn nhạc Beethoven (1770-1827) là một người khiếm thính


Ludwig van Beethoven là nhà soạn nhạc người Đức nổi tiếng thế giới. Tên tuổi và những tác phẩm âm nhạc của ông đóng góp rất nhiều cho nền âm nhạc thế giới, đặc biệt ông được coi là người mở đường cho thời kỳ âm nhạc lãng mạn.

 Beethoven (1770-1827)

Cả cuộc đời mình, từ khi sinh ra cho tới lúc chết đi, Beethoven đã phải chịu nhiều đau đớn về thể xác. Những vấn đề xoay quanh bệnh tật của ông hiện vẫn là đề tài nghiên cứu.

Có nhiều ý kiến cho rằng ông mắc bệnh giang mai bẩm sinh. Năm 2005, phòng thí nghiệm Quốc gia Argonne, Chicago đưa ra bằng chứng về việc Beethoven bị nhiễm độc chì nặng từ thời thanh niên. Theo các tài liệu sử, năm 20 tuổi Beethoven còn hay than phiền về chứng đau bụng không rõ nguyên nhân của mình. Sau đó, khả năng nghe của ông cũng mất dần. Đến khoảng năm 30 tuổi, Beethoven điếc hoàn toàn.

Bất chấp bệnh tật, Beethoven vẫn tạo ra được những tác phẩm âm nhạc kinh điển, mà trong số đó phải kể đến hai bản giao hưởng ông sáng tác trong những năm cuối đời là bản giao hưởng số 8 và số 9, đồng thời còn có Bản Lễ ca trang trọng, những sonata cuối cùng: Liên tấu cho đàn piano và Tứ tấu. Những tác phẩm này nổi bật hơn cả bởi chúng vượt ra ngoài các truyền thống cổ điển với lối diễn đạt hết sức thoải mái, bộc bạch các tâm trạng khác nhau của thế giới nội tâm.

Danh họa nổi tiếng Van Gogh (1853-1890) mắc chứng bệnh thần kinh

Van Gogh (1853-1890)

Van Gogh (tên đầy đủ Vincent Willem van Gogh) là một họa sĩ lừng danh người Hà Lan. Mặc dù có sự nghiệp nổi tiếng nhưng ít ai biết rằng vị họa sĩ tài ba này lại bị thần kinh. Sự nghiệp mà Van Gogh để lại cho ngành hội họa thế giới là BST gồm 900 bức tranh và 1100 bản vẽ. Đã có rất nhiều cuộc tranh cãi xoay quanh cuộc đời họa sĩ nổi tiếng này về chứng bệnh tâm thần của ông liệu có ảnh hưởng đến những tác phẩm hay không.

Về cuối đời, bệnh của ông ngày càng trầm trọng. Ngày 27/7/1890, Van Gogh tự bắn vào ngực mình và ông đã qua đời 2 ngày sau đó.

Jean-Dominique Bauby, biên tập của tạp chí thời trang Pháp nổi tiếng Elle (1952-1997) mắc "hội chứng khóa trong"

Jean-Do là một diễn viên, một nhà báo nổi tiếng kiêm biên tập cho tạp chí Elle lừng danh của Pháp. Năm 1995, ông lên cơn đột quỵ và lâm vào tình trạng hôn mê trong 20 ngày. Sau khi tỉnh lại, các bác sĩ chẩn đoán Jean mắc "hội chứng khóa trong" - một hội chứng thần kinh hiếm gặp gây tê liệt toàn bộ cơ quan chức năng vận động. Jean vẫn có thể nhận thức được bằng não bộ, nhưng anh không thể cử động, dù chỉ là máy môi. Tất cả cử động Jean có thể làm chỉ là nháy mắt trái.

Jean-Dominique Bauby (1952 - 1997)

Tuy nhiên, Jean vẫn không từ bỏ niềm đam mê của mình. Anh đã viết cuốn sách The Diving Bell & the Butterfly bằng cách nhấp nháy mắt khi đúng chữ cái anh muốn diễn đạt với người trợ giúp thông qua thiết bị hỗ trợ. Jean đã sáng tác và biên tập cuốn sách hoàn toàn trong đầu mình, và truyền tải qua những ký tự chữ và số như vậy. Để làm cho chính tả hiệu quả hơn, người trợ giúp của Jean-Do đã liệt kê các chữ cái cho phù hợp với tiếng Pháp. Ngày 7/3/1997, cuốn sách được xuất bản. Hai ngày sau khi cuốn sách  được phát hành, Jean đột ngột qua đời vì viêm phổi và được chôn cất tại nghĩa trang quê nhà Père-Lachaise, Paris, Pháp.

(Listverse, Wikipedia)

Boho
Theo Vietnamnet

Tin tức mới nhất