Chiều 19/5, chia sẻ với Zing, TS.BS Nguyễn Văn Vĩnh Châu, Giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM, cho biết kết quả CT Scan lần thứ 2 của bệnh nhân 91 (nam phi công, người Anh, 43 tuổi) cho thấy kết quả tiến triển khả quan.
"Phần phổi hồi phục chiếm khoảng 20-30%, có hy vọng mong manh cuối đường hầm", TS Châu nói.
Hướng sắp tới bệnh nhân sẽ tiếp tục được điều trị nội khoa phối hợp ngoại khoa.
"Với 20-30% phổi phục hồi, bệnh nhân vẫn phải lệ thuộc hoàn toàn vào ECMO. Nếu dừng, bệnh nhân sẽ chết. Ghép phổi là giải pháp duy nhất còn hy vọng cứu sống bệnh nhân nếu tình trạng phổi không phục hồi. Do đó, các bác sĩ cần chuẩn bị sẵn sàng các điều kiện cần thiết để ghép phổi trong trường hợp bắt buộc phải ghép", TS Châu nói.
Các điều kiện cần thiết bao gồm việc đánh giá thêm tình trạng não, tim, thận của bệnh nhân và điều trị nếu có suy phủ tạng. Nhiễm trùng ngoài phổi cũng cần được loại trừ. Việc chuẩn bị cần 3-5 tuần trước khi tiến hành ca mổ.
Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM - nơi điều trị cho nam phi công. Ảnh: B.Huệ.
Bác sĩ Châu cho biết đến sáng nay, bệnh nhân nằm yên, an thần, thỉnh thoảng có kích thích nhẹ. Bệnh nhân có dùng thuốc vận mạch liều thấp, mạch và huyết áp ổn định, không ghi nhận xuất huyết.
Kết quả siêu âm cho thấy tim co bóp đồng bộ. Phổi phải xẹp thuỳ giữa dưới, có lượng ít dịch vùng nách, không tràn khí. Phổi trái nhiều B lines, nở nhiều hơn và hết xẹp.
"CT Scan phổi cho thấy phổi diễn tiến khá hơn lần trước", TS Châu giải thích.
Hiện tại, bệnh nhân tiếp tục thở máy, mở khí quản, lọc máu, kháng sinh, kháng nấm và can thiệp ECMO ngày 43.
Hội đồng chuyên môn Bộ Y tế giải thích nam bệnh nhân có yếu tố béo phì với chiều cao 1,83 m và nặng 100 kg. Cơ thể bệnh nhân lại phản ứng quá mức với virus nên tạo ra "cơn bão cytokine", tấn công lại chính tế bào lành. Bệnh nhân cũng kháng toàn bộ thuốc chống đông máu, Bộ Y tế phải đặt mua thuốc hiếm từ nước ngoài về điều trị.
Trong cuộc hội chẩn với Bộ Y tế, Hội đồng chuyên môn bao gồm các chuyên gia hàng đầu Việt Nam đã xem xét khả năng ghép phổi cho nam phi công. Trung tâm Điều phối ghép tạng quốc gia cũng nhận hàng chục đề nghị được hiến phổi, đa số là người Việt.
Tại Trung tâm Quản lý, điều hành trực tuyến hỗ trợ chuyên môn, chẩn đoán, các chuyên gia đã xem xét và đánh giá tình trạng của bệnh nhân qua hình ảnh phim CT và qua các chỉ số lâm sàng khác, đồng thời đưa ra những khuyến nghị về tình trạng người bệnh.
Hiện bệnh nhân vẫn còn tình trạng nhiễm trùng màng phổi, nên chưa thể ghép phổi và cần tiếp tục điều trị nội khoa để hạn chế tình trạng nhiễm trùng của người bệnh.
Theo PGS.TS Lương Ngọc Khuê, BV Bệnh Nhiệt đới TP.HCM đã hoàn thành sứ mệnh khi điều trị bệnh nhân 91 không còn virus SAR-COV-2 trong 10 ngày nay. Tuy nhiên, bệnh nhân cần tiếp tục điều trị nhiễm trùng. Bệnh nhân được Hội đồng chuyên môn đề nghị chuyển sang Bệnh viện Chợ Rẫy để điều trị tích cực chuyên sâu.
Cục quản lý Khám, chữa bệnh, Hội đồng chuyên môn sẽ xây dựng chiến lược điều trị nội khoa và ngoại khoa. Khi tình trạng phổi của bệnh nhân được cải thiện, tình trạng nhiễm trùng được hạn chế thấp nhất, Hội đồng chuyên môn sẽ xem xét phương án điều trị ngoại khoa như ghép phổi, ghép thận….
Theo Zing