Một giường nằm ba trẻ
Sáng 18/9, tại khoa Nhiễm của Bệnh viện Nhi Đồng 2, có hơn 50 ca bệnh tay chân miệng đang được điều trị nội trú. Đại diện khoa cho hay, cách đây chừng nửa tháng, mỗi ngày số trẻ mắc bệnh này điều trị nội trú chỉ khoảng 10 đến 15 em. Hơn một nửa trẻ nhập viện dưới ba tuổi, số còn lại là trẻ đang học mẫu giáo.
Bác sĩ Trần Văn Nam (Phó khoa Nhiễm) cho biết, sở dĩ số lượng trẻ nhập viện tay chân miệng tăng cao vì nhiều phụ huynh vẫn còn xem nhẹ việc vệ sinh cho con. Một số khác lại chủ quan. Hầu hết, khi được hỏi, phụ huynh đều không rõ nguồn lây do đâu.
Số trẻ nhập viện vì tay chân miệng đang tăng cao
Trong khi đó, tại khoa Nhiễm của bệnh viện Nhi Đồng 1, số lượng trẻ đang được điều trị vì tay chân miệng lên đến 90. Theo tiêu chuẩn mỗi giường bệnh chỉ được 1 bé nằm nhưng số lượng nhập viện quá nhiều nên mỗi giường đành để ba bé nằm. Nhiều phụ huynh không chịu nổi cảnh chật chội nên đành đưa con ra hành lang nằm.
Bác sĩ Nguyễn Trí Dũng (Giám đốc Trung tâm y tế dự phòng TP.HCM) cho biết, trong khoảng hai tuần trở lại đây, số trẻ nhập viện vì tay chân miệng tăng nhanh. Mỗi tuần ghi nhận hơn 250 trẻ nhập viện, tăng 55% so với mức trung bình bốn tháng trước. Các quận huyện có trẻ nhập viện nhiều là quận Gò Vấp, Hóc Môn, Tân Bình, quận 10.
Ông Dũng cho hay, bệnh tay chân miệng tăng nhanh do đang bước vào mùa dịch. Mỗi năm, bệnh này có hai lần đỉnh dịch rơi vào tháng 3, 4 và 9, 10. Trong khoảng thời gian này, thời tiết là điểm thuận lợi cho virus phát triển. Ông cho rằng, dịch này có thể kéo dài đến cuối năm.
Trước nguy cơ tay chân miệng trở thành dịch, Trung tâm đã chỉ đạo các quận huyện vệ sinh, khử khuẩn môi trường ở các trường mầm non và nhóm trẻ trên địa bàn.
Bệnh nặng do chủ quan
Bác sĩ Trương Hữu Khanh (Trưởng Khoa Nhiễm, Bệnh viện Nhi Đồng 1) cho biết, đối với những trẻ nhập viện trong tình trạng nặng chủ yếu là do phụ huynh chủ quan. Khi con sốt nhẹ, lở miệng, cha mẹ bỏ qua. Chỉ đến khi bệnh chuyển biến nặng, họ mới cho con nhập viện.
Mùa dịch năm nay, tại TP.HCM vẫn chưa có trẻ nào tử vong vì tay chân miệng. Tuy nhiên, những năm trước, có trẻ qua đời vì căn bệnh này. Gần đây nhất, tại Lâm Đồng cũng đã ghi nhận một trường hợp trẻ tử vong vào cuối tháng 5. Do đó, phụ huynh không nên chủ quan, tránh trường hợp xấu xảy ra.
Nếu có dấu hiệu, cần đưa trẻ đến bệnh viện khám ngay
Ông Khanh cho biết, bệnh tay chân miệng có các biểu hiện ban đầu là sốt, lở miệng, mụn nước ở lòng bàn tay, bàn chân, trẻ khóc quấy... Một số khác, trẻ bị run tay chân, đi đứng không vững, khó thở, da nổi bông vân, tay chân lạnh… Khi phát hiện con có những triệu chứng này, phụ huynh nên đưa đi khám để phát hiện sớm trẻ mắc tay chân miệng.
Bác sĩ nhấn mạnh, nếu trong vòng 30 phút, trẻ giật mình hai lần là phải đưa đi bệnh viện ngay.
Nếu phát hiện trễ, những trẻ mắc tay chân miệng được chữa trị nhưng sẽ để lại những biến chứng nặng là viêm não, chậm phát triển trí tuệ. Đối với những trẻ dưới 3 tuổi, nếu mắc bệnh có nguy cơ diến tiến nhanh và nặng.
Bệnh nay được lây theo đường tiêu hóa như tay, vật dụng, đồ chơi bẩn, có dính vi rút tay chân miệng rồi đưa vào bằng đường miệng… Khi trẻ mắc bệnh, virus này sẽ được phát tán ra môi trường theo đường nước bọt, bóng nước ở tay chân, phân…
Ông Khanh khuyên, nếu phụ huynh phát hiện con nhiễm tay chân miệng cần báo ngay với nhà trường để vệ sinh khu vực bé học, tránh lây cho bạn. Cách phòng ngừa quan trọng là phụ huynh chú trọng vệ sinh bé, đồ chơi, đồ dùng bằng xà phòng hoặc thuốc khử trùng…
Theo Khám phá