Chiều ngày 30/8 tại Trung tâm chống độc, Bệnh viện Bạch Mai đã tổ chức cuộc gặp gỡ báo chí thông tin về những nguy cơ nhiễm độc thủy ngân sau vụ cháy tại nhà kho Rạng Đông. Chủ trì là bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên, Giám đốc Trung tâm chống độc.

Theo bác sĩ Nguyên, từ sau vụ cháy nhà kho Rạng Đông, Trung tâm chống độc đã ghi nhận 10 phóng viên và 2 người dân đến khám với các triệu chứng ban đầu là chóng mặt, đau đầu, chóng mặt, nghi nhiễm độc thủy ngân.

“Hiện nay vẫn chưa có kết quả xét nghiệm nên vẫn chưa thể kết luận chính xác những trường hợp này có nhiễm độc thủy ngân hay không. Chúng tôi sẽ cố gắng để muộn nhất là trong đêm nay sẽ có kết luận”, ông Nguyên cho biết.

Bệnh viện Bạch Mai họp cảnh báo nhiễm độc thủy ngân-1
Bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên, Giám đốc Trung tâm Chống độc, BV Bạch Mai trả lời báo chí về nguy cơ nhiễm độc thủy ngân.

Cũng theo ông Nguyên, vụ cháy nhà kho Rạng đông lần này có rất nhiều nguy cơ liên quan tới sức khỏe bởi lẽ khói từ đám cháy có thể chứa rất nhiều chất độc khác nhau như khí CO, xianua, hơi nóng và đặc biệt là thủy ngân.

Điều kiện nhiệt độ cao, đám cháy lớn, không gian khép kín, thủy ngân dễ dàng đi vào không khí dưới dạng hơi nên sẽ dễ gây ngộ độc cho người hít phải khí.

“Người nào ở trong môi trường đó càng gần, thời gian càng lâu thì nguy cơ ngộ độc càng cao hơn. Những người đứng xuôi chiều gió thì dù đứng xa cũng sẽ có nhiều nguy cơ ngộ độc thủy ngân hơn đứng gần. Bên cạnh đó, những người gần đám cháy càng vận động mạnh thì sẽ càng có nguy cơ hít phải thủy ngân nhiều hơn”, Ông Nguyên chia sẻ thêm.

Tuy nhiên, Bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên cũng nhấn mạnh, chúng ta không thể kết luận tất cả những người quanh khu vực đó đều có nguy cơ nhiễm độc thủy ngân. Những người có nguy cơ cao là những người trực tiếp ở trong đám cháy, những người lính cứu hỏa, người dân chạy vào giúp, các phóng viên tác nghiệp hiện trường và hít khỏi khí độc trong thời gian khoảng nửa tiếng trở lên. Những người cách xa đám cháy mà không hít phải hơi nóng, khói thì nguy cơ sẽ thấp hơn.

Những biểu hiện sớm của nhiễm độc thủy ngân bao gồm khó thở, ho, tức ngực, đau bụng, nôn mưa, ỉa chảy, choáng váng, tê tay chân.

Nhiễm độc thủy ngân có thể dẫn tới những hệ quả khôn lường cho sức khỏe như tổn thương đường hô hấp, đườngg tiêu hóa, thận, thần kinh, máu và da. Ngoài ra, loại độc tố này khi vào cơ thể có thể dẫn tới suy thận, tổn thương trên não, liệt, giảm thị lực, co giật.

Tuy nhiên, ông Nguyên khẳng định, nếu chúng ta phát hiện sớm và điều trị sớm thì sẽ có thể điều trị được. Ngoài ra, Trưởng Trung tâm chống độc, Bệnh viện Bạch Mai cũng cho biết, không nhất thiết tất cả người dân trong khu vực cháy đều phải đi kiểm tra nhiễm độc thủy ngân.

“Tôi nghĩ người dân không nên quá lo lắng. Những người có biểu hiện như ho, khó thở, tức ngực, sốt,…, người dân mới nên tới các cơ sở y tế để khám và xét nghiệm nồng độ thủy ngân”, ông Nguyên nhấn mạnh.

Các bác sĩ cảnh báo: Khi nghi dính độc thủy ngân, bệnh nhân nên được đưa ra khỏi môi trường đó đầu tiên, nếu có thủy ngân dính trên da nên rửa ngay và rửa thật sạch, sau đó cần nhanh chóng đi khám ngay.

Theo Vietnamnet