Tại hội nghị cung cấp thông tin cho báo chí chiều 16-9, bà Nguyễn Thị Minh, Tổng Giám đốc BHXH  Việt Nam, nhận trách nhiệm vì chậm trễ chỉ đạo, hướng dẫn tham gia BHYT học sinh, sinh viên (HS-SV) theo quy định mới khiến thông tin bị sai lệch, gây xáo trộn.

Mỗi nơi một phách,  làm khó phụ huynh

Theo bà Nguyễn Thị Minh, BHXH Việt Nam đã chỉ đạo BHXH tỉnh phối hợp với sở giáo dục và đào tạo (GD- ĐT) các tỉnh, thành và các cơ sở giáo dục tổ chức thực hiện thu BHYT theo quy định mới phù hợp với tình hình thực tế của địa phương.

Theo đó, các địa phương có thể thu và phát hành thẻ BHYT thành nhiều đợt (gồm: 3 tháng và 12 tháng; 6 tháng và 9 tháng…) để bảo đảm từ năm 2016 thực hiện đóng BHYT theo năm tài chính.

Tuy nhiên, do không thông tin kịp thời nên có 8 địa phương thực hiện thu... một lèo 15 tháng. Đó là TP HCM, Bến Tre, Bình Định, Bình Phước, Hải Phòng, Khánh Hòa, Quảng Trị, Quảng Ngãi. Một số địa phương khác lại hướng dẫn thu theo 6 tháng hoặc 1 năm. Ngoài ra, có 5 tỉnh vẫn thu theo năm học và số địa phương “xé” mức thu theo quý hoặc 6 tháng/lần.

Bà Minh thừa nhận đây là năm đầu tiên thực hiện chính sách “quá độ” (chuyển đóng BHYT theo năm học sang năm tài chính) nhưng do không nhất quán nên gây ra lộn xộn. Việc một số địa phương thu một lần đã tạo áp lực cho các gia đình, nhất là gia đình nghèo, có hoàn cảnh khó khăn.

bhyt hoc sinh, sinh vien: ket du ngan ti van tang thu - 1

Chăm sóc sức khỏe ban đầu cho học sinh tại một trường học ở Hà Nội

Về thông tin nhà trường và giáo viên “làm hộ”, “thu hộ” BHYT cho ngành BHXH, bà Minh phủ nhận. Theo quy định tại Luật BHYT sửa đổi, Bộ GD-ĐT có trách nhiệm chỉ đạo, hướng dẫn, tổ chức thực hiện thu BHYT đối với HS-SV. Có điều, chỉ tiêu tham gia BHYT của các địa phương cũng là chỉ tiêu phát triển kinh tế các địa phương và chỉ tiêu thi đua của ngành giáo dục nên các trường tích cực triển khai.

“Cho đến thời điểm này, hầu hết trường học trên cả nước đã ký hợp đồng để phát triển BHYT HS-SV. Theo quy định, BHXH Việt Nam dành 7% tổng thu quỹ BHYT tính trên tổng số HS-SV đang theo học để nhà trường giữ lại phục vụ cho khám chữa bệnh ban đầu” - bà Minh nhấn mạnh.

Đại diện BHXH Việt Nam còn cho rằng việc để xảy ra tình trạng nhiều hiệu trưởng, giáo viên, phụ huynh không biết rõ về mức đóng BHYT theo quy định mới là do 2 ngành bảo hiểm và giáo dục chưa có sự phối hợp trong hướng dẫn và tuyên truyền. “Năm nào cũng có hướng dẫn liên ngành về cách thức thu BHYT đối với HS-SV nên nếu ngành giáo dục và hiệu trưởng các trường nói không biết việc thay đổi này là không đúng” - bà Minh nói.

Đóng nhiều vẫn bỏ thẻ

Theo ông Phạm Lương Sơn, Trưởng Ban Chính sách BHYT (BHXH Việt Nam), năm học 2014-2015 có 15 triệu HS-SV tham gia BHYT, chiếm 88,5%. Trong đó, 12,3 triệu HS-SV tham gia tại nhà trường và 3,7 triệu HS-SV tham gia ở nhóm khác (người nghèo, cận nghèo, con công an, quân đội). Trong khi đó, số lượt HS-SV khám chữa bệnh chỉ đạt dưới 8,8 triệu lượt; số chi khám chữa bệnh 1.237 tỉ đồng, bằng 33% so với tổng thu 3.749 tỉ đồng (kết dư 2.512 tỉ đồng).

Lý giải việc quỹ BHYT HS-SV hằng năm vẫn kết dư lớn nhưng lại tăng 1,5 lần mức đóng, ông Phạm Lương Sơn nói: “Một trong những nguyên tắc của BHYT là mang tính san sẻ cộng đồng rất lớn. Dĩ nhiên phần kết dư trực tiếp hay gián tiếp cũng sẽ chi ngược trở lại phục vụ cho HS-SV, được địa phương giữ lại nâng cao chất lượng khám chữa bệnh”.

Trong khi đó, ông Trần Đình Liệu, Trưởng Ban Thu của BHXH Việt Nam, lập luận: Dù mức đóng BHYT của HS-SV tăng từ 3% lên 4,5% (tăng 50%) lương cơ bản nhưng tính trung bình, 1 HS-SV cũng chỉ phải đóng hơn 40.000 đồng/tháng và 12 tháng là 430.000 đồng, 15 tháng là 544.000 đồng. Nếu trong trường hợp ốm đau, quyền lợi các em được hưởng sẽ lớn hơn nhiều.

Không chỉ bất bình vì tăng mức đóng, trên thực tế, nhiều phụ huynh còn phàn nàn về việc chỉ được lựa chọn mua BHYT ở một số bệnh viện, phòng khám nhất định trong khi chất lượng khám chữa bệnh ban đầu thấp. Điều này khiến họ không mấy mặn mà với tấm thẻ BHYT.

Về việc này, ông Sơn cho biết hằng năm, BHXH tỉnh, thành đều có kiểm tra điều kiện cơ sở vật chất, nhân lực y tế tại trường học sau đó ký hợp đồng chăm sóc sức khỏe ban đầu tại trường. Chỉ những cơ sở đạt điều kiện mới được tổ chức chăm sóc sức khỏe ban đầu cho HS-SV. Tại Hà Nội, năm học 2014-2015 có gần 2.100 trường được cấp tổng kinh phí 61 tỉ đồng để chăm sóc sức khỏe ban đầu; TP HCM có 1.148 trường, tổng kinh phí cấp gần 68 tỉ đồng.

Dù vậy, ông Sơn cũng thừa nhận vẫn có nhiều nơi không làm tốt khâu khám chữa bệnh ban đầu. Cụ thể, hệ thống giáo dục mầm non gồm hơn 14.881 trường thì có đến 45,1% trường không có phòng y tế, 31,5% trường chỉ có cán bộ kiêm nhiệm về y tế; 24,4% trường không có cán bộ y tế. Còn hệ thống giáo dục phổ thông có khoảng 33.000 trường nhưng 38,7% trường không có phòng y tế, 20,2% trường không có cán bộ y tế. Trong số gần 1.000 trường CĐ, ĐH, cũng có đến 18,7% trường không có phòng y tế.

Theo BHXH Việt Nam, tổng kinh phí chăm sóc sức khỏe ban đầu ở trường năm học 2013-2014 hơn 511 tỉ đồng nhưng mới sử dụng hết 68%.

TP HCM: Dự kiến thu 816 tỉ đồng

Theo BHXH TP HCM, dự kiến năm học 2015-2016, với khoảng 1,5 triệu HS-SV toàn TP tham gia, số tiền BHYT thu về khoảng 816 tỉ đồng. Khoản thu này trong năm học 2014-2015 của BHXH TP HCM hơn 600 tỉ đồng, trong đó trích lại 67 tỉ đồng cho các trường để chăm sóc sức khỏe ban đầu, số còn lại nộp về BHXH Việt Nam.

Về kết quả khám BHYT HS, năm 2013 TP HCM cấp 1.401.372 thẻ BHYT nhưng chỉ có 919.109 lượt đi khám chữa bệnh; năm 2014: 1.446.234 thẻ nhưng chỉ 992.295 lượt đi khám chữa bệnh; 6 tháng đầu năm 2015: 1.565.846 thẻ BHYT và chỉ 497.413 lượt đi khám chữa bệnh.

Liên quan đến việc thu BHYT HS-SV theo quy định mới, ông Cao Văn Sang, Giám đốc BHXH TP HCM, cho biết cơ quan này đã in 2 triệu tờ rơi tuyên truyền quy định về BHYT để phát cho từng HS-SV. Trong đó, giải thích rõ mức đóng BHYT, thời hạn sử dụng thẻ, đăng ký nơi khám chữa bệnh, thủ tục khám chữa bệnh, phạm vi được hưởng. Đồng thời với việc in tờ rơi, BHXH TP HCM gửi danh sách các cơ sở khám chữa bệnh đến từng trường để HS-SV lựa chọn nơi khám chữa bệnh ban đầu.

Về thông tin một số nơi buộc HS-SV đăng ký cơ sở khám chữa bệnh, ông Sang cho rằng không đúng quy định. Nếu cần thay đổi cơ sở khám chữa bệnh ban đầu, HS-SV chỉ cần đến cơ quan BHXH nơi cấp để đổi lại vào ngày 1 đến ngày 10 của tháng đầu quý.

Đóng cho có chứ mấy khi sử dụng

Đa phần phụ huynh HS tại TP HCM không đồng tình với việc tăng mức đóng BHYT trong khi chất lượng khám và chữa trị BYHT chưa tương xứng.

Chị Nguyễn Hòa, một phụ huynh Trường Tiểu học Lương Định Của (quận 3), cho biết gia đình chị lúc nào cũng đóng BHYT cho con đầy đủ nhưng chưa bao giờ đi khám BHYT vì chờ khám rất lâu, mất thời gian.

Chị Vũ Thị Thùy Vinh, phụ huynh tại quận 7, phàn nàn vài lần cho con đi khám BHYT nhưng vì thấy bác sĩ khám qua loa nên chị không còn tin tưởng vào dịch vụ này nữa.

“Chất lượng phục vụ không cải thiện nhưng phải đóng gần gấp đôi, dù không muốn chúng tôi cũng bấm bụng chịu. Người dân có tâm lý đóng cho an tâm, cho đúng quy định chứ mấy khi sử dụng. Với mức tiền 544.000 đồng, chúng tôi hoàn toàn có thể đưa con đi khám dịch vụ ở nhiều bệnh viện khác nhau chứ không phải khám BHYT chờ đợi lâu mà chất lượng thuốc, hiệu quả điều trị chưa biết đến đâu” - chị Vinh nói.

Chị Nguyệt Anh, phụ huynh Trường THCS Trần Văn Ơn (quận 1), cho rằng với một số gia đình sẽ không tiếc chi một mức tiền như thế để chăm sóc sức khỏe cho con, miễn là chất lượng dịch vụ bảo đảm. Nhưng chất lượng không cải thiện mà tiền tăng thì phụ huynh chắc chắn sẽ phản ứng. Ngoài ra, phần lớn phụ huynh đóng BHYT cho con chỉ nhằm sử dụng phòng khi mắc những chứng thông thường theo thời tiết như viêm hô hấp, sốt, còn nếu bệnh nặng hơn một chút là gia đình đưa vào các bệnh viện khám dịch vụ.

Theo Người lao động