Bí ẩn chuyện đại văn hào Pháp nhìn thấy quỷ dữ phút lâm chung

Tài liệu ghi lại một số nhân chứng kể lại trong giây phút hâm hối, Voltaire đã hoảng loạn và gào thét những điều khó hiểu, như thể ông trông thấy quỷ.

Từ nhà văn vô thần, đấu tranh cho quyền bình đẳng của xã hội...

François-Marie Arouet hay Voltaire (1694 - 1778) là một nhà văn, nhà triết học người Pháp nổi tiếng trong thời kỳ văn học Khai sáng và những quan điểm về quyền tự do của con người.

Nhắc đến nước Pháp thế kỷ 18 và nhắc đến cuộc Cách mạng Pháp, không thể không nhắc tới Voltaire.

Với nền văn học Pháp, Voltaire đã để lại một kho tàng các phẩm đồ sộ bao gồm nhiều thể loại, từ tiết thuyết, luận văn đến thơ kịch. Trong sử học, ông để lại nhiều công trình nghiên cứu mang tính lịch sử, và có cả các công trình khoa học.

Sinh thời, nhà văn - nhà triết học Voltaire được biết đến là người vô thần. Mặc dù sinh ra trong gia đình quý tộc, cha là một quan chức thuế và mẹ thuộc dòng dõi cao quý nhưng ông không đặt niềm tin vào Chúa mà phản đối Công giáo.

Ông cũng chỉ trích chế độ nước nhà bấy giờ qua những tác phẩm châm biếm, đả kích cùng hành động kêu gọi người dân đấu tranh đòi quyền công bằng trong xã hội.

Bị cha cấm đoán trở thành nhà văn: "Nghề viết văn là nghề của những kẻ ăn bám xã hội, ăn bám vào bà con và chết trong sự đói khổ", nhưng Voltaire vẫn nhất quyết đi theo con đường dùng ngôn từ làm vũ khí chống lại cường quyền.

Chia sẻ về tôn giáo, Voltaire tự nhận mình không tin vào Chúa Giê-su: "Tôi tin vào một đấng tối cao tổng quát đã tạo nên những định luật muôn đời chi phối vũ trụ, nhưng tôi không tin vào một Thiên chúa riêng biệt sẵn sàng thay đổi định luật của vũ trụ để làm vừa lòng một cá nhân".

Tư tưởng vô thần với ngôn từ sắc bén, châm biếm đả kích đánh vào Giáo hội Pháp bấy giờ khiến Voltaire trở thành cái gai trong mắt của hầu hết những người theo đạo Thiên chúa.


"Tôi không đồng ý với điều anh nói, nhưng tôi sẽ chiến đấu đến chết để bảo vệ quyền anh được nói điều đó." (Voltaire)

Khi đó, nước Pháp rất khe khắt với những người chống đối; nên cuộc sống của Voltaire phải lưu lạc nhiều nơi: sống ở Anh, Phổ (một vương quốc trong lịch sử Đức tồn tại trong những năm 1701 - 1918) và Genève.

Dù bị trục xuất khỏi quê hương, các tác phẩm của ông đều bị cấm xuất bản, nhưng ông vẫn một lòng một dạ đấu tranh, bênh vực chân lý.

Mặc khác, ông cũng có mối quan hệ tốt đẹp với với nhà vua Friedrich II Đại Đế của nước Phổ. Không chỉ có Friedrich II ngưỡng mộ tài năng của Voltaire mà Nữ hoàng Ekaterina II Đại Đế của Nga cũng thán phục tài năng của ông. Voltaire và Ekaterina II từng thường xuyên trao đổi thư từ cho nhau.

... đến phút lâm chung bi ai khó hiểu

Hai mươi năm cuối đời, Voltaire sống ở Ferney và mất ở Paris. Nay Ferney được đặt theo tên ông là Ferney-Voltaire.

Ngày 30/5/1778, Voltaire qua đời ở tuổi 84. Thực hư cái chết của ông ra sao đến nay vẫn còn là một ẩn số. Có nhiều tài liệu nghiên cứu về cái chết của nhà văn, triết gia lỗi lạc của nước Pháp này; đặc biệt là khoảnh khắc hấp hối khó hiểu của ông.

Một số tài liệu ghi lại Voltaire qua đời do đột quỵ. Nhưng trong giây phút đau đớn, ông đã phát ra những tiếng hét đáng sợ mà không ai hiểu được.

Theo lời kể lại của người giúp việc trong nhà ông thì Voltaire đã nhìn thấy những hình ảnh ghê rợn, rồi ông tru tréo: "Một bàn tay đang kéo tôi đến với Chúa trời…quỷ bắt lấy tôi rồi…,tôi trông thấy hỏa ngục... Hãy cút đi, chính mi đã đưa ta đến tình trạng này, hãy buông tha cho ta".

Có lúc, ông lại van xin trong ai oán: "Xin chúa trời hãy thương xót", rồi quay ra nói với người trong nhà rằng "Ta phải ra đi trong sự bỏ rơi của Thượng đế".

Theo một tài liệu khác, nhân chứng tận mắt thấy những giờ phút cuối đời của Voltaire tả rằng: "Nếu quỷ có thể chết được, cũng không chết dữ dội như Voltaire".

Trang Wikipedia dù không ghi chép chi tiết về cái chết của Voltaire nhưng có đề cập tới một số giả thiết khó hiểu về giây phút lâm chung đau đớn của đại văn hào. Wiki cũng đề cập thêm rằng sau khi qua đời, Voltaire bị các thánh đường tại Paris từ chối chôn cất bởi ông đã không ít lần bổ báng Chúa bằng giọng văn châm biếm.

Bạn bè thân và gia đình đã phải mang thi thể ông tới Scellières, thuộc thành phố Champagne, cách Paris khoảng một trăm dặ. Tại đây, một linh mục bằng lòng cho chôn cất Voltaire với đầy đủ nghi lễ Công giáo.


Ngôi nhà ở Paris nơi Voltaire qua đời (Ảnh: Wikipedia)

Và sự tôn vinh muộn màng cho một danh nhân, một anh hùng

Ngày 10/7/1791, tức 13 năm sau ngày mất của Voltaire, hai năm sau cuộc Cách mạng Pháp, Quốc hội Pháp bấy giờ mới tôn vinh ông như người mở đường cho cuộc Cách mạng.

Hầm mộ của ông ở Scellières được dời về Panthéon, nơi chôn cất các danh nhân nước Pháp. Lễ rước cốt của Voltaire ước tính có tới hàng triệu người, kéo dài khắp Paris để tưởng nhớ tới vị anh hùng từng bị nhà nước trục xuất.

Một thi sĩ Pháp từng nói về Voltaire: "Nếu đem so sánh thành tích thì Voltaire là văn hào cao cả nhất châu Âu. Ông sống đến 84 tuổi và đã dùng thời gian ấy để chấm dứt sự thối nát của một thời đại".


Nơi an nghỉ của Voltaire ở Panthéon (Ảnh: Wikipedia)
 

LEO
Theo Vietnamnet

Xem link gốc Ẩn link gốc https://vietnamnet.vn/ban-doc/cong-dong/bi-an-chuyen-dai-van-hao-phap-nhin-thay-quy-du-phut-lam-chung-n-117986.html

khoa học Chúa Giê-su tôn giáo bình đẳng

Tin tức mới nhất