Theo các nhà khảo cổ, 80 chiếc gương đồng dù đã có niên đại trên dưới 2.000 năm nhưng cứ như mới vừa được dùng hôm qua: chỉ cần lau sơ, chúng lại sáng rực như xưa. Các chuyên gia vẫn đang phân tích loạt chữ khắc và biểu tượng dùng để tô điểm chúng - thứ biến chúng thành báu vật thực sự.
Một trong những chiếc gương đang được phục chế - Ảnh: Đại học Hong Kong
Bài công bố trên Heritage Science Journal cho biết những chiếc gương bí ẩn được đào lên từ nghĩa trang ở thị trấn Gaozhuang, tỉnh Thiểm Tây, Trung Quốc. Nơi đây có mộ phần của 400 vị quý tộc người Hán, chôn cất khoảng 2.000 năm về trước.
Một số gương đồng được thu thập từ các ngôi mộ cổ - Ảnh: China News Service/Zhang Yuan
Những chiếc gương được tìm thấy trong một số ngôi mộ cổ. Theo các tác giả từ Đại học Hong Kong, những chiếc gương được xếp ngay ngắn gần đầu hoặc quanh phần trên của cơ thể.
Trong các mộ phần còn có rất nhiều đồ tùy táng quý giá bằng ngọc bích, gốm, sắt và đồng. Một vài chiếc gương có khắc dòng chữa mang nghĩa "ngôi nhà của sự thịnh vượng".
Các mẫu vật đều được khắc hoa văn tinh tế cùng những cổ tự bí ẩn - Ảnh: Đại học Hong Kong
Theo Acient Origins, ánh sáng lung linh và "bất tử" của loại gương đồng này là nhờ chúng được chà xát bằng hỗn hợp hồ đặc biệt từ thiếc và thủy ngân và đánh bóng bằng một miếng nỉ trắng.
Những chiếc gương được coi là một hiện vật khảo cổ quan trọng trong các di tích ở Trung Quốc, bởi chúng đại diện cho trình độ phát triển của công nghệ vào các thời kỳ, bởi thường là thứ được trang trí tinh tế, phức tạp nhất, đại diện cho địa vị của chủ nhân.
Chiếc gương đồng cổ xưa nhất từng được khai quật tại Trung Quốc là một hiện vật thuộc nền văn hóa Qijia của thời kỳ đồ đá mới, (năm 2200-1600 trước Công Nguyên), khai quật được ở Cam Túc.
Theo Người Lao Động