Đó là Bir Tawil, mảnh đất rộng 2.000 km² nằm giữa biên giới Ai Cập và Sudan. Phần lớn nơi này chủ yếu là đất và cát, hoàn toàn không có đường sá, dân cư sinh sống hay tài nguyên thiên nhiên. Do đó việc xác lập chủ quyền cũng không mang lại bất kỳ lợi ích kinh tế nào.
Vùng đất Bir Tawil đã trở thành chủ đề tranh luận và thu hút sự tò mò của du khách bởi lịch sử bí ẩn của nó - Ảnh: The Guardian
Tuy nhiên, nằm cạnh Bir Tawil là một vùng đất tam giác rộng lớn hơn có tên Hala’ib - cũng toàn cát và đá nhưng lại tiếp giáp với Biển Đỏ nên có giá trị hơn.
Cả Ai Cập và Sudan đều muốn Hala’ib nhưng vì lý do địa lý về đường biên giới, mỗi nước chỉ có thể tuyên bố chủ quyền với hoặc Bir Tawil, hoặc Hala’ib. Tuy vậy, không nước nào muốn nhường.
Theo ghi chép, nguồn cơn bắt đầu từ năm 1899, khi nước Anh đang nắm trong tay quyền hành tại khu vực và ký một thỏa thuận với Ai Cập để cùng quản lý Sudan.
Theo thỏa thuận, đường biên giới giữa Ai Cập và Sudan sẽ chạy thẳng dọc theo đường vĩ tuyến 22. Tuy nhiên, sau 3 năm, Anh nhận thấy đường ranh giới đó không phản ánh thực chất việc sử dụng đất bởi các bộ lạc bản địa tại khu vực nên đã vẽ ra một đường biên giới mới.
Một ngọn núi nhỏ ở phía nam vĩ tuyến 22 được Anh quyết định sẽ trao cho Ai Cập. Vùng này trở thành Bir Tawil. Trong khi đó, vùng đất tam giác rộng lớn hơn, gọi là Hala’ib, nằm ở phía bắc vĩ tuyến 22, bên cạnh Biển Đỏ được trao cho Sudan kiểm soát.
Cho đến khi Sudan giành độc lập vào năm 1956, chính quyền Sudan mới tuyên bố chủ quyền với Hala’ib.
Mặt khác, Ai Cập nói rằng đây chỉ là chia cắt tạm thời về quyền và rằng chủ quyền thực sự được chia theo như bản thỏa thuận 1899 với đường biên giới là vĩ tuyến 22. Điều này khiến tam giác Hala’ib trở thành một phần của Ai Cập.
Mâu thuẫn bắt đầu xảy ra, cả Ai Cập và Sudan đều không muốn tuyên bố chủ quyền với Bir Tawil vì làm vậy sẽ đồng nghĩa với việc rút bỏ tuyên bố chủ quyền với Hala’ib. Trên bản đồ của Ai Cập, Bir Tawil được vẽ là một phần lãnh thổ của Sudan; ngược lại, trên bản đồ của Sudan, Bir Tawil lại được vẽ là một phần của Ai Cập.
Và rồi sau đó, không có luật pháp hay chính phủ nào cai trị Bir Tawil, khiến nơi đây trở thành "vùng đất vô chủ". Du khách đến đây có thể tự do khám phá mà không cần lo lắng về luật pháp hay biên giới.
Tuy nhiên, chính vì không có chính phủ quản lý, Bir Tawil mặc nhiên trở thành nơi trú ẩn lý tưởng cho tội phạm hoạt động bất hợp pháp như buôn lậu và ma túy.
Và cũng chính việc Bir Tawil vô chủ đã tạo ra một nguyên tắc thú vị: Bất kỳ ai cũng có quyền xưng vương. Điều này dẫn đến việc nhiều người đến đây và tự nhận là chủ nhân của vùng đất này.
Dmitry Zhikarev và Mikhail Ronkainen giương cờ Nga trên Bir Tawil - Ảnh: Dmitry Zhikarev
Điển hình, vào năm 2014, một người Mỹ tên là Jeremiah Heaton đã bay tới Ai Cập và thực hiện chuyến đi bộ kéo dài 14 giờ đến Bir Tawil. Ông đặt tên cho Bir Tawil là “Vương quốc Bắc Sudan” và con gái ông là công chúa của vương quốc này.
Jeremiah Heaton, du khách Mỹ tuyên bố "chủ quyền" tại Bir Tawil - Ảnh: The Guardian
Tương tự, những du khách tự xưng là Vua Dmitry I và Công tước Mika Ronkainen cũng tuyên bố đã đến Bir Tawil vào cuối năm đó.
Họ tuyên bố đây là “Vương quốc Mediae Terrae Bir Tawil”. Tiếp đến là Suyash Dixit, một người Ấn Độ, cũng tuyên bố đã đến Bir Tawil vào năm 2017 và mặc định cho rằng đây là “Vương quốc Dixit”.
Gần đây hơn, vào năm 2019, Young Pioneer Tours, một nhóm du lịch được thành lập bởi những người nước ngoài sống ở Trung Quốc, tuyên bố đã đến lãnh thổ chưa có người nhận.
Tuy nhiên, cho đến nay, những tuyên bố này không có giá trị pháp lý. Nếu không được cộng đồng quốc tế công nhận, những nỗ lực này chỉ là những tuyên bố mang tính biểu tượng hơn là khẳng định cụ thể về chủ quyền.
Cộng thêm, với việc tái giao tranh ở Sudan diễn ra kể từ tháng 4/2023, tình trạng chính thức của Bir Tawil khó có thể sớm thay đổi, “chủ nhân” của mảnh đất này vẫn sẽ là dấu chấm hỏi lớn trong tương lai.
Theo VTC