Hôm nào cũng có bài tập về nhà
Chị Trần Thị Hà, Q.Cầu Giấy, Hà Nội có con năm nay học lớp 2 Trường Tiểu học Dịch Vọng B chia sẻ, cũng không thoát việc bị giao bài tập về nhà dù lượng bài tập cũng chỉ ở mức độ vừa phải.
“Hôm nào cũng có bài tập về nhà. Cô thường giao 1 bài toán, 2 trang viết, một đoạn thơ. Nhưng mình cũng không ép con, nếu con kêu mệt thì mình cũng cho nghỉ làm bài tập. Mỗi ngày mình chỉ cho con học trong vòng 30 phút, kể cả chưa xong bài cũng nghĩ. Sau đó cho con đọc những sách truyện ưa thích”, chị Hà nói.
Có con đang học lớp 3, chị Nguyễn Dung, Q.Hoàng Mai, Hà Nội cho hay, bé nhà chị được cô giao khá nhiều bài tập về nhà. Tuy nhiên, việc giao bài này lại là do các phụ huynh đề nghị cô.
“Cô giáo cháu cũng thường xuyên hỏi phụ huynh các con có bị quá tải bài tập không. Tuy giao bài nhưng cô cũng nói là để các con tự làm, bài nào khó không làm được thì để đó. Cháu nhà tôi làm chậm nên mỗi tối mất khoảng 2 giờ đồng hồ để làm bài tập, cũng có hôm ngồi đến khuya mới xử lý xong”, chị Dung kể.
Chị Vũ Thúy Ngân có con học lớp 3 tại một trường tiểu học ở Q.Hà Đông, Hà Nội cũng cho biết con vẫn có bài tập về nhà tuy không nhiều.
“Khi họp phụ huynh đầu năm, cô giáo hỏi ý kiến phụ huynh nếu đồng ý sẽ giao thêm bài cho các con thì cô mới giao. Số lượng bài tập mỗi ngày cũng không quá nặng. Cô cũng bảo các con học cả ngày ở lớp cũng vất vả rồi nên về nhà nghỉ ngơi là chính”, chị Ngân nói.
Tuy nhiên, chị Ngân cho hay, hàng xóm nhà chị có cháu bé học lớp chọn thấy học hết cả tối mà vẫn không hết bài.
Còn anh Nguyễn Ngọc Khôi, Q.Long Biên, Hà Nội bày tỏ, “Bé nhà mình thìkhông bị giao nhiều bài tập về nhà, nhưng do cháu không hoàn thành bài tập trên lớp nên về nhà phải làm nốt”.
Phụ huynh thêm gánh nặng cho con
Ngoài những bài tập do cô giáo ra, bản thân nhiều phụ huynh đang lấy đi những giây phút thảnh thơi của con bằng việc tự giao bài tập cho con.
Đang học lớp 2, một trường tiểu học ở Q.Thủ Đức, TP.HCM, tối nào bé Huyền Anh cũng phải làm bài tập về nhà. Thông thường bài tập bé làm là đọc lại bài học đã học ở lớp, làm các phép tính đơn giản với con số dưới hai chữ số, thỉnh thoảng xem bài trước. Nhưng điều bất ngờ là sau khi làm xong những bài này, bé sẽ làm những bài tập mà bố mẹ tự ra, những bài tập này còn nhiều hơn cả bài cô giáo ra.
Chị Lam - mẹ bé thừa nhận, “bài của cô giáo ra rất nhẹ nhàng, cháu chỉ mất 30 phút là hoàn thành. Vì vậy tôi ra thêm cho cháu mấy bài”. Theo chị, dù ra bài cho con nhưng câu hỏi cũng tương tự như bài cô giáo ra, chỉ là thay đổi con số, chữ cái, số lượng tuy có nhiều hơn một chút nên không làm khó bé. “Mục đích của tôi là giúp con phải nắm vững kiến thức, học ở trường mà về nhà không học thì cũng nhanh quên lắm. Ngày xưa các cụ chả nói “ văn ôn võ luyện” còn gì. Mình chỉ ra bài phù hợp và tính toán thời gian phù hợp với con là được” - chị Lam cho biết.
Tương tự, ngày nào bé Bin con chị Thảo đang học lớp 4 tại Quận 10, TP.HCM cũng phải làm bài tập về nhà gồm viết từ mới, từ khó, làm bài toán, cộng trừ nhân chia. Cháu bé làm riết thành thói quen. Buổi tối ăn cơm xong, xem chương trình thiếu nhi 30 phút, hơn 7 giờ tối là tự động ngồi vào bàn học bài làm bài tới 9 giờ đi ngủ.
Để có “lịch trình” như vậy ngày nào chị Thảo cũng tự ra bài tập cho con vì cô giáo ra bài quá ít, không đủ để con rèn luyện. “Có ra bài cho con thì mới rèn con vào quy củ được, mấy bài ở trường bé làm một loáng là xong, xong rồi lại chơi sẽ quen ngay”. Cứ vậy con chị Thảo ngày nào cũng có bài, hết bài cô giáo dặn rồi tới bài mẹ ra.
Trong khi đó, anh Đức Nam, một phụ huynh ở Quận 3, TP.HCM nhận định, có thể đồng tình bất cứ việc gì nhưng việc cấm giao bài tập về nhà cho học sinh thì anh không đồng tình. Theo anh Nam “nếu học sinh chỉ học ở trường rồi về nhà chơi thì không ổn, phải cho các cháu thói quen học tập và tự học. Muốn vậy dù ít nhiều phải có bài tập về nhà”.
Còn chị Thu Quỳnh, phụ huynh bé ở quận 10 kể lại câu chuyện của chị đồng nghiệp mà chị chứng kiến, đó ngày nào cũng ra bài tập về nhà cho con. “Tôi chỉ ra cho con mấy bài ngắn gọn, chủ yếu kéo dài thời gian cho con thêm 15 hay 20 phút học bài. Còn chị đồng nghiệp của tôi ra nhiều bài lắm. Có hôm chị ấy ngồi viết một loạt từ mới tiếng Anh, rồi bắt con phải chép đến 4 trang giấy mới cho nghỉ”.
Theo chị Quỳnh, có nhiều lý do để học sinh phải làm bài tập về nhà, nhưng mẫu chốt là chương trình. “Tôi nghĩ giáo viên cũng không muốn ra bài đâu, nhưng vì chương trình khá nặng, nếu học sinh không hiểu thì chỉ còn cách ra về nhà cho các cháu học lại. Còn phụ huynh chúng tôi thì luôn sợ con không hiểu bài, theo kịp bài giảng”.
Theo Vietnamnet