Một người phụ nữ đăng tải bài viết chia sẻ câu chuyện của mình lên MXH. Khi đang ở bên chồng, cô thường xuyên bị đánh. Gã đàn ông bạo hành vợ chẳng ghê tay. Tuy nhiên, sau đó anh ta lại xin lỗi thảm thiết.
Cô bỏ qua, chồng tiếp tục hành vi đánh đập. Điều đó như một vòng luẩn quẩn lặp đi lặp lại.
Bạo lực, coi thường, không chung thủy là những hành vi xâm hại phụ nữ và có thể dẫn đến kết cục ly hôn. Tuy nhiên, nhiều người phụ nữ vẫn còn tình cảm khi chồng tỏ vẻ hối lỗi và họ băn khoăn không biết mình có nên tha thứ cho chồng không?
Theo Tiến sĩ tâm lý học Shannon McHugh, bạo hành cũng chia làm nhiều loại và phụ nữ cần có cách xử lý tương ứng với những loại khác nhau. Chẳng phải lúc nào tha thứ cũng là tốt nhất.
Các kiểu bạo hành được chia ra như sau:
Loại 1: Bạo lực thân thể
Bạo lực gia đình hay bạo lực thân thể là hành vi đánh đập, xâm phạm cơ thể. Anh ta dùng bạo lực để kiểm soát vợ và xả cơn thịnh nộ của bản thân.
Bạo lực thân thể thường bắt gặp ở người đàn ông có tính chiếm hữu và kiểm soát cao. Một người chồng vũ phu là người luôn tìm cách đe dọa, khiến bạn sợ hãi.
Hệ quả là nạn nhân luôn trong tình trạng lo lắng, đau khổ và mất mặt.
Những người phụ nữ từng bị bạo lực gia đình thường rất khó bình phục hoàn toàn khỏi những nỗi đau cả về thể xác lẫn tinh thần.
Có nên tiếp tục cuộc hôn nhân này hay không, họ nên tự hỏi bản thân những câu sau:
Chồng bạn có chân thành hối cải và thay đổi bản thân không? Anh ta nhận hết lỗi lầm không hay là vẫn đổ lỗi cho bạn? Bạn chấp nhận rủi ro có thể tiếp tục bị bạo hành nặng nề hơn sau khi tha thứ cho anh ta không?
Khi nhận thấy bản thân đang bị bạo hành, phụ nữ cần nhanh chóng tìm cách bảo vệ bản thân trước tiên. Bạn có thể tìm đến các chuyên gia tư vấn nếu thấy sự việc vẫn có thể cứu vãn.
Nhưng nếu thấy mối quan hệ không thể vãn hồi, hãy nhanh chóng đưa ra quyết định dừng lại vì sức khỏe và cuộc sống vẫn là điều quan trọng nhất.
Loại 2: Bạo lực ngôn từ
Anh ta có thường lớn tiếng chỉ trích bạn trước mặt bạn bè hay gia đình? Anh ta có dùng nhiều lời lẽ nhục mạ và hạ thấp danh dự, nhân phẩm của bạn? Nếu câu trả lời là có, đó chính là một người chồng có hành vi bạo lực ngôn từ.
Với người đàn ông có hành vi bạo lực này, anh ta luôn muốn kiếm soát và chèn ép bạn trong các cuộc tranh luận, luôn phủ nhận hết ý kiến, đổ lỗi và la lối bạn. Nhưng với trường hợp bạo lực này, vẫn còn có cách giải quyết. Bạn cần ngồi lại và chia sẻ suy nghĩ của bản thân với chồng.
Nếu có thể, hãy tìm đến các chuyên gia tư vấn hôn nhân có kinh nghiệm để hỗ trợ bạn giúp chồng thay đổi. Vì vậy, câu hỏi liệu hôn nhân trong trường hợp có sự bạo hành về ngôn từ có thể cứu vãn hay không, thì câu trả lời là có thể.
Loại 3: Bạo hành về tài chính
Các dấu hiệu của bạo lực tài chính bao gồm ép buộc về lựa chọn công việc, căn ke từng đồng bạc, không cho phép đi làm, không cho lập tài khoản ngân hàng riêng. Đặc biệt là những người phụ nữ kinh tế phụ thuộc vào chồng thường rất dễ rơi vào các trường hợp này.
Nhiều phụ nữ thậm chí gặp phải các dấu hiệu trên nhưng lại cho qua và không biết mình đang bị bạo hành. Xin hãy đứng lên bảo vệ quyền lợi của bản thân và nếu cần hãy nhờ cậy đến sự giúp đỡ từ gia đình, bạn bè và chuyên gia tư vấn.
Hãy tìm cách để bản thân không phụ thuộc vào chồng, ví dụ như có một nguồn thu nhập ổn định, mở tài khoản ngân hàng riêng và tự quản lý tiền của mình. Nếu bạn vẫn tiếp tục bị bạo hành, hãy lựa chọn ly hôn.
Liệu hôn nhân khi có bạo hành tài chính có thể tốt lên không? Câu trả lời là có thể, nhưng khó. Vì nếu nạn nhân bị bạo hành không nhận ra tình hình và cố gắng chiến đấu lại thì mối quan hệ giữa hai người rất khó được cải thiện.
Loại 4: Bạo lực tâm lý
Loại bạo lực cuối cùng bạo lực tâm lý. Đó là khi người đó tỏ ra buồn thảm quá mức, thường xuyên la hét, chống đối, từ chối giao tiếp với bạn. Hoặc khi họ luôn đổ lỗi cho bạn và đối xử tồi tệ với bạn.
Những hành vi này cũng có thể gây ra các ảnh hưởng xấu đến tâm lý của bạn như loại hình 1 – bạo lực thân thể.
Vậy làm sao để cứu vãn cuộc hôn nhân với người chồng thường xuyên bạo lực tâm lý bạn?
Câu trả lời chính là tìm đến sự giúp đỡ từ các chuyên gia tư vấn và tâm lý để giúp chồng bạn nhìn nhận lại hành vi của mình và thay đổi cách hành xử của anh ta đối với bạn. Nhưng nếu anh ta không có thái độ hối lỗi, hãy quyết tâm nói không với lời cầu xin tha thứ.
Bạn xứng đáng được hưởng những điều tốt đẹp hơn.
Trên đây là các loại hình bạo lực phổ biến trong hôn nhân. Nếu bạn đang ở trong bất cứ trường hợp nào ở trên, hãy nghiên cứu thật kỹ những lời khuyên và đưa ra quyết định tốt nhất cho bản thân mình.
Theo Pháp luật và bạn đọc