Năm nào công ty tôi luôn tổ chức tiệc tổng kết năm rất hoành tráng ở các resort cao cấp với các tiết mục văn nghệ đặc sắc.
Để làm hình ảnh truyền thông, sếp luôn muốn sự kiện này phải hoành tráng "như các tập đoàn lớn" dù lương nhân viên không cao, thưởng Tết không nhiều, chế độ đãi ngộ hết sức bình thường.
Nói thật là tôi nộp hồ sơ thi tuyển vào đây cũng vì quá ấn tượng với hình ảnh tiệc tổng kết cuối năm quá hoành tráng và muốn mình được trở thành một phần trong đó.
Cầu được ước thấy, tôi vừa chân ướt chân ráo vào làm được vài tháng thì công ty chuẩn bị tổ chức sự kiện này.
Ở công ty cũ của tôi, YEP chỉ đơn giản là bữa liên hoan nhỏ tổng kết năm cũ, định hướng cho năm mới, mọi người ăn uống, chuyện trò, ai thích thì lên sân khấu ngẫu hứng ca hát.
Tôi thấy như vậy hơi nhàm chán nên rất háo hức được xem những màn văn nghệ hoành tráng ở công ty mới.
Những tưởng ai có năng khiếu văn nghệ thì đăng ký tham gia là được, nhưng hoá ra sếp tổng yêu cầu mỗi phòng ban phải có ít nhất một tiết mục văn nghệ; 100% nhân viên phải tham gia, không trực tiếp biểu diễn thì cũng phải gián tiếp hỗ trợ anh em viết kịch bản, lo công tác hậu cần...
Chất lượng các tiết mục dù là cây nhà lá vườn thì vẫn phải cao, phải chuyên nghiệp, không được qua loa bôi bác làm xấu hình ảnh công ty.
Tôi không ngờ việc chuẩn bị tiết mục cho tiệc tổng kết cuối năm lại tốn nhiều thời gian, sức lực và chất xám đến vậy.
Cuối năm ai cũng bận điên cuồng để chạy deadline nhưng sau giờ làm vẫn phải ở lại để tham gia các cuộc họp đề xuất ý tưởng, lựa chọn chủ đề, phân công tiết mục cho từng phòng ban không khác gì một chương trình nghệ thuật chuyên nghiệp. Chỉ riêng khoản họp hành chuẩn bị cho tiệc cuối năm đã mất cả tuần trời.
Lính mới như tôi, bình thường để đạt KPI đều phải làm việc đến 19h-20h, nay lại phải tập văn nghệ vào đúng khoảng thời gian đó, nhiều hôm kéo dài đến hơn 22h.
Công việc cứ dồn lại, ùn ứ cả đống. Về nhà, tôi lại phải thức thêm mấy tiếng để hoàn thành, hôm sau người mệt rã rời nên tốc độ giải quyết công việc càng chậm.
Lúc này tôi mới thấy, cứ tổng kết cuối năm đơn giản như công ty cũ là tốt nhất, dù sao hoàn thành KPI để nhận đủ lương mới là quan trọng nhất. Tuy nhiên, tôi và anh em trong phòng đều luôn tham gia đông đủ.
Tôi bị sếp mắng và mọi người né tránh vì dám đòi tiền làm ngoài giờ khi phải tập văn nghệ. (Ảnh: Sina)
Mấy hôm trước, theo lịch, phòng tôi sẽ tập với biên đạo múa được công ty thuê đến. Tuy nhiên, hôm đó biên đạo có việc đột xuất không thể đến nên một số anh có gia đình ra về, còn lại mấy anh em tôi rủ nhau ra ngoài ăn tối.
Trong lúc ăn, tôi tâm sự rằng, đợt này vì văn nghệ văn gừng mà ngày nào cũng phải về làm việc đến 2-3 giờ sáng.
Được thể, các anh em cũng giãi bày bức xúc, hoá ra chẳng riêng mình tôi phải đem việc về nhà làm thâu đêm. Dù có thâm niên, dịp cuối năm này họ cũng phải vắt chân lên cổ cho kịp tiến độ.
Chúng tôi hoàn toàn thống nhất với nhau rằng, tiệc tổng kết năm hoành tráng thế này thực ra chẳng phải là sân chơi của nhân viên, không vì cảm nhận của nhân viên mà chủ yếu để làm màu, lấy hình ảnh truyền thông cho công ty mà thôi.
Lúc này, tôi chợt nhớ ra cô bạn kể ở công ty cô ấy, nhân viên tập văn nghệ ngoài giờ được nhận khoản bồi dưỡng bằng tiền tương làm thêm giờ.
Nghe tôi nói thế, một anh trong phòng cười xoà: “Anh em mình tập ngoài giờ, gọi bữa tối về công ty ăn để tập mà còn phải chia nhau tiền, làm sao dám nghĩ đến thù lao”.
Tôi nói chắc tại không đề xuất, chứ công ty chi bao nhiêu tiền để tổ chức sự kiện này, làm gì có chuyện tiếc chút tiền bồi dưỡng cho nhân viên. Thế là các anh bảo tôi cứ đề xuất đi, họ sẽ ủng hộ.
Về nhà, tôi gửi email cho sếp tổng, trình bày những suy nghĩ của mình và đề xuất được trả thù lao cho việc tập văn nghệ ngoài giờ. Sáng hôm sau, sếp gọi riêng tôi vào nói chuyện.
Vừa bước vào phòng, tôi đã bị sếp mắng té tát rằng chỉ có nhân sự yếu kém, không hoàn thành nổi KPI mới phải đem việc về nhà làm: “Biết bản thân như vậy thì phải cố gấp 5 gấp 10 lần người khác. Vừa vào công ty bỏ chút thời gian tập văn nghệ đã đòi hỏi thù lao…”.
Nghe sếp mắng mà tai tôi ù đi, hoảng hốt và chẳng nhớ nổi ông ấy đã nói những gì sau đó. Tôi bước ra ngoài và dám chắc tất cả những người ngồi ở công ty hôm đó đều nghe được câu chuyện.
Một anh trong phòng tôi chạy lại, kéo tôi ra sảnh và bảo: “Mày bị sao thế, không biết thế nào là đùa à? Bọn anh nói thế mà mày cũng đi đề xuất thật. Bó tay”.
Tôi không biết sếp tổng có nói gì với trưởng phòng hay không nhưng ngay chiều hôm đó, anh ấy bảo tôi không phải tham gia tập văn nghệ nữa.
Giờ ở công ty, tôi như người lạc loài vậy, đến cả những người trước đây thân nhất thì nay tôi chào họ cũng chỉ gật đầu xã giao.
Thật sự tôi đã làm gì sai chứ? Tập văn nghệ là công việc bắt buộc, làm ngoài giờ thì trả thù lao là phải, sao tôi đề xuất lại bị coi như tội đồ?
Theo VTC News