Ở bất kỳ đoàn làm phim phía Nam nào, trước khi khởi quay, cả ekip cũng đều thành tâm cúng tổ, ngoài cầu mong thuận lợi trong công việc, còn là để tạo sự gắn kết, hết mình vì mục tiêu chung.

DSC_0619_resize_copy

Hoài Linh mách nước… cúng thần linh

Đoàn phim Nữ cảnh sát thực tập của đạo diễn Phương Điền có cảnh quay tại tại Di Linh, nơi được mệnh danh có nhiều bối cảnh “rừng thiêng nước độc”. Tất nhiên, việc đầu tiên khi đến quay phim là phải… cúng. Thành tâm và tử tế, cũng gà, cũng heo quay, trái cây đầy đủ, nhưng không hiểu sao liên tục ba ngày trời, sáng nào cũng mịt mù mây đen và từng cơn mưa xối xả kéo tới khiến đoàn phim méo mặt ngồi chờ… Nhà sản xuất bứt tóc vò đầu, đạo diễn ngửa mặt than trời, diễn viên thì ngao ngán. Tất cả đang tính rút về thành phố đổi kế hoạch quay thì bất ngờ nhận được điện của Hoài Linh với ý định giúp đoàn.

Dù rất vui nhưng đạo diễn cũng không tin lắm mấy về câu chuyện “mê tín” như thế này. Với anh, việc cúng là hình thức có kiêng có lành, cúng như một việc kết nối các anh em đoàn phim gắn kết, tin tưởng về nghiệp tổ của mình để mà hết mình trong công việc. Nhưng thôi, việc tới rồi, “có bệnh thì vái tứ phương”. Theo lời Hoài Linh mách bảo thì việc cúng thần linh không phải cứ bày ra rượu thịt, bánh trái ê hề là được. Phải biết phong tục, tập quán của từng nơi, từng thần linh mà khấn vái cho đúng người đúng việc. Ở cái nơi rừng sâu nước độc như Di Linh, cần phải có 9 bông huệ trắng, một đĩa trái cây tươi, lấy nước suối đun sôi thay cho rượu và lời khấn phải như vầy, như vầy mới đúng…

DSC_0657_resize

Quả thật, sau khi đạo diễn yêu cầu chủ nhiệm thực hiện đúng lời dặn của “thầy” Hoài Linh, bàn thờ được đặt về hướng Đông Nam, đúng 5 giờ sáng, tất cả ekip phải có mặt đồng thanh đứng trước bàn thờ cúng, khấn niệm một cách thành tâm thì tự nhiên trời quang mây tạnh, mặt trời bắt đầu hiện ra. Cả đoàn hớn hở và tất nhiên, vụ quay phim diễn ra suôn sẻ. Sau vụ đó, chuyện cúng từ Hoài Linh mách bảo đã lan truyền khắp các đoàn phim, như một lời nhắn nhủ: Có kiêng, có lành, có cúng cũng phải đúng kiểu, đúng cách chứ không phải cúng cho có lệ là xong!

Chuyện cúng của Hoàng Mập

Nhắc đến chuyện cúng ở đoàn phim là Hoàng mập ngưng ngay nụ cười hể hả thường có. Theo Hoàng Mập: “Chuyện cúng kiếng là do tâm tính của mỗi người. Với tôi, từ ngày lập Hãng phim Hoàng Thần Tài, nhiều người cứ ngỡ tôi lấy tên Hoàng Mập ghép chữ thần tài để cầu lộc cho hãng phim. Sự thật Hoàng Thần Tài là tên của một ông thần ở Ấn Độ, tôi được một sư thầy đem tượng thần này từ bên Ấn Độ về tặng, và khi quyết định đặt tên cho hãng phim là tôi kèm theo một lời khấn: Phải cúng đồ chay”.

Theo anh lý giải: “Lúc sinh thời, vị thần này chỉ thích ăn chè, tính anh thích đi chùa làm việc thiện nên việc cúng chay sẽ rất phù hợp. Hơn nữa bà xã anh có tài nấu nướng nên tuy là món chay, nhưng các nghệ sĩ ăn rất ngon thế là thành một thói quen”. Anh bật mí tiếp: “Lần quay hoa hậu Phan Thị Mơ trong bộ phim Hợp đồng bắt ma. Cảnh quay quy định Mơ phải thành tâm khấn vái một âm hồn trên một ngôi nhà hoang tại Đà Lạt vào đêm khuya, như cầu an lành cho cả gia đình. Bối cảnh chỉ cần một dĩa trái cây, vài ba tờ giấy vàng bạc và hai cây đèn cầy, phía trước là một cascadeur được đóng vai ma treo tòng teng trên ngọn cây phía trước là xong. Nhưng chẳng hiểu sao trời đêm hôm đó gió cứ lồng lộng, cứ đốt đèn cầy là gió thổi tắt. Lúc đèn cầy cháy thì hồn ma cứ đung đưa không lọt vào khung hình. Cả đoàn phim vật vã suốt mấy tiếng đồng hồ mà cứ trục trặc hoài, dù cảnh quay không thuộc loại khó.

DSC_0672_resize_resize_resize

Một người dân ở gần đó đi ngang qua mách nhỏ với Hoàng mập: “Ngôi nhà linh lắm, phía trên có một bàn thờ Phật, anh cho người vào đốt nhang, cúng và khấn thì mới quay được”. Lập tức Hoàng Mập cử người đi cùng lên sân thượng, nơi có bàn thờ khấn vái thành tâm. Chỉ vài vài phút, tự nhiên gió lặng, khí trời mát mẻ. Cảnh quay diễn ra vô cùng thuận lợi, cứ máy diễn là Phan Thị Mơ vào vai một cách ngon lành. Riêng “con ma” treo tòng teng từ sớm giờ, khi được thả dây xuống, cứ ríu rít cám ơn Hoàng Mập, bởi “nhờ anh cúng thành tâm mà em không bị treo lâu”. Theo Hoàng Mập, sau lần đó, anh có thói quen là đi đâu cũng phải cúng, ra khỏi nhà cúng, vừa tới hiện trường là cúng, mỗi lần cúng là đi thẳng luôn chứ không dám quay đầu lại, để mọi việc được diễn ra thuận lợi nhất.

Tục cúng “thần dừa” ở Bollywood

Không chỉ có ở Việt Nam, ở Ấn Độ, đoàn phim cũng… cúng cầu may. Nhớ ngày đoàn cascadeur Việt Nam sang đất Ấn năm 1995, tất cả đều ngạc nhiên trước việc… cúng của họ. Cứ đầu giờ, lại có một người da đen, râu ria lấy ra một trái dừa khô, đến từng người trong đoàn đưa một mẩu giấy rồi đốt lửa quay xung quanh trái dừa, như đốt các oan hồn khuất mặt. Sau thủ tục này, anh ta còn lấy trái cau, quăng xuống đất, nếu nó bể đôi là xem như thuận buồm xuôi gió. Vậy mà lần đó, anh ta quăng trái cau đến ba lần mà nó vẫn không bể. Cả đoàn phim ai cũng rùng mình, như lo sợ một điềm xui xẻo sắp xảy ra.

Hôm đó đã xảy ra một tai nạn kinh hồn. Cảnh quay 25 cascadeur phi thân lên sàn nhà thi đấu, bị trục trặc từ hệ thống dây bay, đã làm 16 cascaduer bay thẳng vào vách tường, trong đó có 7 tấm kiếng bị bể tan tành. Sau cảnh quay này, cả phim trường dính đầy máu, tiếng la hét của người bị thương lẫn người cứu thương làm náo động cả khu vực. Xe cấp cứu được điều động đến trong sự hoang mang tột độ.

DSC_0652_resize_resize_resize

Sau cảnh quay này, thầy cúng bỗng nhiên biến mất, và sáng hôm sau, người ta thấy một thầy cúng khác xuất hiện. Cũng đốt lửa xoay quanh trái dừa, cũng lấy một trái cau ra làm phép. Lần này, thầy dùng nội lực bóp trái cau liên tục, rồi ném thẳng xuống mặt đất, trái cau bể tan nát. Cả đoàn phim vỗ tay mừng như phim… vừa đoạt giải Oscar. Và quả nhiên sau đó, vẫn cảnh quay đó, 25 cascaduer đã phi thân thẳng lên sàn thi đấu đẹp như mơ. Cả trường quay vang lên tiếng vỗ tay, reo hò vang dậy. Anh thầy cúng tiếp tục cầm trái dừa đi đến từng thành viên, mời đốt lửa như ăn mừng thần linh đã phù hộ…

Cúng xong, họp đoàn phim là hiệu quả nhất

DSC_0667_resize_resize_resize

Nhiều đoàn phim áp dụng chiêu này và đem lại hiệu quả khá cao. Ví dụ như đoàn phim Biệt thự Pansee của Hãng Sena film chẳng hạn. Biết anh em rất tâm linh với tổ nghiệp, sau buổi khai máy đầy thành tâm, trưởng đoàn Châu Thổ mời tất cả bộ phận lại để sinh hoạt, công bố từng thành viên trong đoàn, nêu rõ từng nội quy và sẵn sàng lắng nghe ý kiến của anh em. Đây là chiêu tuyệt vời của nhà sản xuất bởi ngoài việc đông đủ ekip thì với việc vừa thành tâm hướng Tổ nghiệp, ai ai cũng thoải mái, dễ lắng nghe. Và tất nhiên, sự thông suốt cũng như tinh thần đó theo suốt cả quá trình bấm máy trên phim trường.

Theo Thế giới điện ảnh