Mấy hôm nay cứ nghĩ mãi về cái gọi là phạt hành chính của các cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Trường hợp cô gái bị cưỡng hôn trong thang máy tại quận Thanh Xuân, Hà Nội thì đối tượng bị phạt 200.000 đồng. Còn trường hợp bố đánh con ở Bắc Giang thì nhận mức phạt là 1.000.000 đồng.
Đối tượng cưỡng hôn trong thang máy chỉ bị phạt 200.000 đồng
Thoạt nghe có vẻ được. Cơ quan nhà nước đã ra tay. Anh có hành vi trái pháp luật thì nhà nước xử lý, nhưng chỉ ở mức phạt hành chính. Cái "được" để tất cả thấy ở đây là các cơ quan nhà nước đã hành động, tức không hề thụ động. Thế là xong. Còn tác dụng của cái phạt hành chính này đối với người bị phạt nói riêng và đối với cả xã hội nói chung đến đâu thì cứ để đó, tính sau. Cho nên, có người đã bình luận một cách dí dỏm là sẵn sàng bỏ ra 1 triệu nộp phạt để thực hiện 5 lần cưỡng hôn kiểu Thanh Xuân.
Quả là bi hài khi mà luôn nêu khẩu hiệu sống và làm việc theo pháp luật thì mấy câu chuyện kiểu này nổ ra và kéo theo cách xử lý như vậy. Suy đến cùng lại là trách nhiệm của các cơ quan nhà nước có liên quan. Chỉ cần trách nhiệm hơn, khách quan và công bằng hơn thì không thể có mấy mức phạt như thế. Và nếu như theo đúng quy định của pháp luật chỉ có thể phạt 200.000 đồng như trường hợp cưỡng hôn trong thang máy thì các cơ quan nhà nước phải tiến thêm một bước để đề xuất các biện pháp xử lý thích hợp hơn.
Thật đáng mừng khi Công an TP Hà Nội đã phản ứng kịp thời trong vụ bé gái bị xâm hại tại huyện Chương Mỹ bằng cách quyết định rút hồ sơ, bắt tạm giam bị can. Một quyết định được dư luận đồng tình, một quyết định khác hẳn quyết định xử lý cho đối tượng được tại ngoại trước đó.
Xã hội đang phát triển, đi lên. Trong cái đi lên đó chắc chắn không thể tránh hẳn các sự cố, các vụ việc như kiểu sán lợn Thuận Thành, Bắc Giang, dự kiến cấm xe máy đường Nguyễn Trãi, đường Lê Văn Lương (Hà Nội), dự kiến tiêu chuẩn nước mắm, mất bằng lái xe ô tô thì thi lại… Vấn đề là khi sự cố, vụ việc lỡ xảy ra thì các cơ quan nhà nước có liên quan xử lý ra sao và phán quyết thế nào.
Điều đáng buồn là khá nhiều việc cứ phải đợi người đứng đầu hành chính cao nhất là Thủ tướng có ý kiến chỉ đạo thì cơ quan nhà nước mới chuyển động. Làm sao mà Thủ tướng có thể theo hết mọi việc trong xã hội và trong các cơ quan nhà nước. Mà giả sử “theo” được thì sinh ra các cơ quan đó làm gì. Cho nên, phải truy vào trách nhiệm cơ quan công quyền. Phạt mấy trăm nghìn hành chính như kiểu này không những không đúng, không phù hợp, mà chính các cơ quan ra quyết định này còn phải chịu trách nhiệm, còn phải chịu hình thức xử lý thích hợp.
Theo VietNamNet