Ngành giải trí là môi trường khắc nghiệt với tốc độ đào thải nhanh chóng. Đặc biệt là với thị trường âm nhạc lớn mạnh như Hàn Quốc. Tại đây, mỗi năm có hàng chục thậm chí cả trăm nhóm mới được ra mắt, tuy nhiên số lượng các nhóm vươn đến thành công lại chẳng bao nhiêu.
Nhắc đến Kpop, người hâm mộ làn sóng Hàn Quốc trên toàn châu Á có thể lập tức điểm tên những cái tên DBSK, Super Junior, SNSD, Wonder Girls… Đây là những nhóm nhạc giúp đưa làn sóng Kpop vươn ra thị trường thế giới.
Tuy nhiên, nếu ví sự nghiệp của người nghệ sĩ là một ngọn núi, bên kia vinh quang là con dốc đi xuống. Không thể phủ nhận khi đã đi qua thời kì đỉnh cao, việc duy trì danh tiếng là điều mỗi nhóm phải chật vật đối mặt.
Cái gì cũng có thời, thần tượng cũng thế
Nhóm nhạc nào cũng có thời đỉnh cao sự nghiệp. SNSD sau hit Gee sở hữu giai đoạn đỉnh cao kéo dài từ 2009-2012, Super Junior có Sorry Sorry, SS501 với I'm Ur Man, INFINITE vươn lên top đầu các nhóm nam với The Chaser, T-Ara làm mưa làm gió thời Roly Poly…
Tuy nhiên, trong mấy năm trở lại đây, những nhóm thần tượng 'bên kia con dốc' này đã phải lùi bước trước sự phát triển mạnh mẽ của thế hệ đàn em.
Super Junior từng ở đỉnh cao danh tiếng với danh hiệu 'vua bán đĩa' và hàng loạt giải thưởng danh giá. Nhóm nhạc đông dân nhà SM cũng từng nắm giữ danh hiệu nhóm nhạc nhận nhiều giải nhất trong lịch sử Golden Disk Awards đành tuyên bố từ nay chỉ phát hành âm nhạc vì đam mê, không để ganh đua thành tích nữa.
Những nhóm từng đứng trên đỉnh cao danh vọng, gây sốt mọi nơi như SS501 hay sở hữu những ca khúc hit mang tầm quốc dân như Wonder Girls, KARA… đều trải qua thời gian dài chìm nổi cùng những sản phẩm nhạt nhòa trước khi chính thức tan rã.
Minh chứng rõ ràng cho sự 'hết thời' của một nhóm idol là việc biến mất trên các bảng xếp hạng âm nhạc. APink, Girl's Day khi đi qua giai đoạn nổi tiếng nhất của mình đã thẳng thừng biến mất trên các bảng xếp hạng, thậm chí không giành được bất kỳ một chiếc cúp tuần nào cho đợt quảng bá ca khúc mới.
Mới đây nhất, 'tượng đài' của các nhóm nhạc nữ SNSD cũng có một phen ê chề khi ca khúc mới chỉ đứng hạng 40 trên MelOn, kết quả còn thấp hơn cả những ca khúc đã ra mắt từ trước đó hàng tháng trời của các nhóm nhạc đàn em.
Màn trở lại thất bại ê chề của SNSD phải chăng là dấu hiệu cho giai đoạn hết thời của nhóm nữ quốc dân?
Lần gần nhất DBSK phát hành sản phẩm là từ năm 2015 với album Rise as God. Sản phẩm này không nhận được cúp tuần, hiệu ứng tiêu thụ bản digital không cao và hoàn toàn mất tích tại các lễ trao giải cuối năm. Hai thành viên Yun Ho và Chang Min cũng lần lượt nhập ngũ cuối năm đó.
Công ty quản lý cũng ghẻ lạnh
Fan của Super Junior từ lâu đã quen với việc SM lơ là trong khâu quảng bá hình ảnh cho nhóm. Thường thì fan phải 'nhắc nhở' SM mới thay hình ảnh quảng bá cho album solo của các thành viên trên tường tòa nhà trụ sở công ty.
Những tấm banner kích thước khiêm tốn, đôi khi còn viết sai tên hay bìa album được ví như dùng ứng dụng Paint của Microsoft tạo nên cũng là trường hợp cộng đồng E.L.F (fandom của Super Junior) trải qua không ít lần.
Super Junior nổi danh là 'con ghẻ quốc dân' bị cả công chúng lẫn công ty lạnh nhạt.
Wonder Girls, Secret, MissA hay 4minutes trước khi tan rã đều trải qua thời gian dài rơi vào tình trạng 'ai làm việc nấy' vì công ty chủ quản chỉ quan tâm và chăm sóc hoạt động cá nhân cho thành viên nào mang về lợi nhuận.
F(x) sau sự ra đi của Sulli chỉ phát hành thêm một ca khúc 4 Walls rồi lặng lẽ tách ra duy trì hoạt động cá nhân. Công ty chủ quản có vẻ không hề có ý định mang nhóm trở lại mặc cho đã vắng mặt gần 3 năm kể từ album gần nhất.
T-Ara cùng INFINITE, 2PM đều chịu chung cảnh vắng mặt tại thị trường nội địa lâu ngày và bị công ty đẩy đi lưu diễn châu Á hoặc vòng quanh thế giới. Hệ quả tất yếu của việc vắng mặt lâu ngày là suy yếu của fandom trong nước cùng sự lãng quên của công chúng.
Tuần lễ quảng bá chóng vánh cùng quyết định ngừng sản xuất album kỷ niệm 10 năm của SNSD khiến nhiều người hoài nghi, phải chăng đây là dấu hiệu báo trước về một nhóm nhạc nữa sắp được xếp vào hàng dài danh sách những nhóm 'hết thời'?
Sự cố của giọng ca chính Tae Yeon tại sân bay Jakarta như giọt nước tràn ly khiến cộng đồng fan của SNSD bùng nổ làn sóng giận dữ vì cách làm việc tắc trách, mang đậm tính 'có lợi thì mới thương' của SM.
Giá trị của những nhóm nhạc hết thời nằm ở đâu?
Độ nổi tiếng của một nhóm nhạc đang ở thời kỳ phong độ tốt chủ yếu dựa trên tần suất xuất hiện trên truyền thông cũng như số lượng hợp đồng quảng cáo của cả nhóm hoặc một vài thành viên. Đây là nguồn lợi lớn, cũng như là thước đo cho sự phổ biến.
Với những nhóm 'quá thời' có thể thấy rõ tần suất xuất hiện trên các chương trình truyền hình thưa thớt, cũng như không có hợp đồng quảng cáo hay thỏa thuận đại diện thương hiệu...
Những nhóm nhạc thần tượng khi đã đi qua đỉnh cao chỉ dựa vào một số hoạt động như đi tour lưu diễn kiếm lợi nhuận hoặc các thành viên có thể tự duy trì hoạt động cá nhân bên lề như nhạc kịch…
INFINITE từ lâu đã không còn là cái tên gây sốt trên mặt trận Nhạc Kpop. Vị thế của nhóm không còn được như giai đoạn 2012 với số lượng giải thưởng thưa thớt dần cùng số lượng album tiêu thụ dậm chân tại chỗ. Từ năm 2014 đến nay, nhóm chăm chỉ đi lưu diễn, chủ yếu là để hỗ trợ chi phí công ty cho ra mắt đàn em mới và bù doanh thu trong thời gian nhóm đàn em chưa phát sinh lợi nhuận.
2PM từ lâu vẫn duy trì danh hiệu 'cỗ máy doanh thu' của JYP. Tuy nhiên, phần lớn thời gian nhóm chạy tour nước ngoài vì mục đích doanh thu chứ không có mấy lịch trình hoạt động trong nước.
Các nhóm hết thời nếu không tan rã, chỉ có thể 'lùi bước' trở thành cỗ máy kiếm tiền thầm lặng ở nước ngoài cho các công ty chủ quản.
'Tre già măng mọc' là quy luật tất yếu trong ngành giải trí. Tuy nhiên, không ít nhóm khiến fan cảm thấy xót xa khi giờ đây thần tượng của mình chỉ có thể trụ được nơi cuối con đường danh vọng.
Theo Zing