Theo đó, mới đây, một người đàn ông tên T. đến Công an huyện Thanh Bình (Đồng Tháp) trình báo việc anh nhận làm việc tại nhà, làm các “nhiệm vụ” để nhận tiền… Khi nhận việc, anh T. đã chuyển khoản 92 triệu đồng và được các đối tượng hướng dẫn tải ứng dụng “Shopnew”, cài đặt và rút tiền thông qua ứng dụng này.

Khi đã làm “nhiệm vụ” đến hạn mức nhất định, ứng dụng báo lỗi, không rút được tiền. Anh T. tìm kiếm thông tin trên mạng mới biết mình bị lừa đảo.

Tuy niên, nam thanh niên này không đến cơ quan công an trình báo ngay mà tự tìm cách giải quyết.

Lúc này, một tài khoản trên mạng xã hội nhắn tin với anh T., tự xưng là nhân viên “thu hồi nợ”, có khả năng lấy lại số tiền đã mất, hướng dẫn anh tải ứng dụng Telegram để tham gia "nhóm đã bị lừa đảo".

Tiếp đó, một người trong nhóm này nhắn tin riêng với anh T, yêu cầu thực hiện theo các bước, chuyển tiền để làm thủ tục lấy lại tiền đã mất. Tin lời, anh T. đã chuyển nhiều lần, tổng cộng hơn 117 triệu đồng.

Tổng số tiền anh T. đã mất qua 2 lần bị lừa là hơn 200 triệu đồng.

Theo Công an tỉnh Đồng Tháp, thời gian qua, tình hình tội phạm lừa đảo, chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng tiếp tục hoạt động mạnh, nhiều thủ đoạn tinh vi, trong đó có thủ đoạn là làm quảng cáo dịch vụ “hỗ trợ thu hồi vốn treo”, “lấy lại tiền bị lừa đảo”... Nhiều nạn nhân đã bị “sập bẫy”, tiền bị lừa đảo không lấy được mà tiếp tục bị lừa thêm lần hai.

Thủ đoạn của các đối tượng là tiếp tục lập ra các tài khoản mạng xã hội, fanpage Facebook mạo danh các đơn vị của Bộ Công an, công ty luật, văn phòng luật sư quảng cáo về các dịch vụ, như: “tiếp nhận hồ sơ”, “hỗ trợ lấy lại tiền bị treo”, “thu hồi tiền lừa đảo”, “thu hồi tiền treo trên sàn thương mại điện tử”, “thu hồi tiền treo không cần cọc”..., với cam kết chỉ thu tiền sau khi người dân đã lấy lại tiền lừa đảo.

Theo VietNamnet