Bí mật cuộc đời điệp viên hai mang lừng danh của Liên Xô

Kim Philby, sĩ quan tình báo Anh, điệp nước ngoài thành công nhất trong việc cung cấp thông tin tình báo cho Liên Xô, ông là người ngoại quốc hiếm hoi được trao huân chương Lenin.

Trong một cuộc triển lãm hiếm hoi ở Moscow, Nga lần đầu tiên công bố tài liệu mật về hoạt động của điệp viên hai mang Kim Philby, người Anh, AFP cho biết. Ông Philby cung cấp thông tin tình báo cho Liên Xô từ năm 1930 cho đến khi bị lộ vào năm 1963.

Giám đốc Cơ quan Tình báo nước ngoài (SVR) Sergei Naryshkin đã đến cắt băng khai mạc triển lãm “Kim Philby trong gián điệp và cuộc sống” tại Hiệp hội Lịch sử Nga vào tháng trước. Triển lãm kéo dài đến ngày 5/10.

Bí mật cuộc đời điệp viên hai mang lừng danh của Liên Xô-1
Kim Philby trong một cuộc họp báo năm 1955. Ảnh: AP. 

“Philby đã làm được nhiều điều để thay đổi lịch sử, giúp cuộc sống tốt đẹp hơn và đem lại công lý, là một người công dân vĩ đại của thế giới”, Naryshkin phát biểu tại triển lãm, nơi mà khách mời phần lớn là cựu điệp viên của KGB.

Philby được ca ngợi là anh hùng của Ủy ban An ninh Quốc gia (KGB), nay là Tổng cục An ninh liên bang Nga (FSB)Cơ quan Tình báo nước ngoài (SVR). Ông là người nước ngoài hiếm hoi được trao Huân chương Lenin vào năm 1965.

Vỏ bọc hoàn hảo                                  

Theo New York Times, Harold Adrian Russell “Kim” Philby, thường gọi là Kim Philby, sinh ngày 1/1/1912 tại Ambala, Punjab, Vương quốc Anh. Tên gọi Kim được ông chọn sau khi đọc tiểu thuyết “Kim” của nhà văn Rudyard Kipling. Năm 16 tuổi, Philby giành được học bổng của Đại học Cambridge, nơi ông theo học về lịch sử và kinh tế.
 

Bí mật cuộc đời điệp viên hai mang lừng danh của Liên Xô-2
Điệp viên hai mang Kim Philby trong một lần trả lời phỏng vấn báo chí. Ảnh: Getty.


Những năm còn là sinh viên Đại học Cambridge, Philby được cho đã lọt vào tầm ngắm của tình báo Liên Xô, cùng với Donald Maclean, Guy Burgess và Anthony Blunt, còn gọi là “Cambridge Five” (nhóm điệp viên hai mang lừng danh làm việc cho tình báo Liên Xô xuất thân từ Đại học Cambridge).

Tuy nhiên, trong cuốn hồi ký của mình, Philby nói ông không được tuyển chọn khi còn là sinh viên của Cambridge. Thời gian và địa điểm thực sự của việc tuyển chọn Philby làm việc cho tình báo Liên Xô đến nay vẫn chưa thực sự rõ ràng. Năm 1934, Philby kết hôn với Litzi Kohlman, một nhà cộng sản người Áo. Đây được cho là bước ngoặt quan trọng đối với cuộc đời ông về sau.

Cũng trong năm 1934, Arnold Deutsch, một nhân viên của KGB được điều động đến Anh làm nhiệm vụ. Deutsch được giao tuyển dụng các nhân viên tình báo nước ngoài làm việc cho Liên Xô. Deutsch đã liên lạc với Kohlman và bà đã giới thiệu chồng mình.

Khi Đức quốc xã tuyên chiến với Anh vào năm 1939, Philby làm phóng viên cho tạp chí The Times tại trụ sở của Lực lượng Viễn chinh Anh, nơi ông có nhiều cơ hội tiếp cận thông tin về hoạt động của quân đội Anh.

Tháng 9/1941, Philby được bổ nhiệm làm việc tại Phòng V, Cơ quan Tình báo bí mật Anh (MI6), chịu trách nhiệm về các hoạt động phản gián. Giai đoạn 1942-1943, Philby được bổ nhiệm làm Phó phòng V, mở rộng các hoạt động sang Bắc Phi và Italy.
 

Bí mật cuộc đời điệp viên hai mang lừng danh của Liên Xô-3
Những tài liệu Philby từng gửi cho Liên Xô trong Thế chiến 2. Ảnh: New York Times. 


Philby cung cấp nhiều thông tin quan trọng về hoạt động của quân đội Anh và phe Đồng minh cho Liên Xô, giúp Moscow có kế hoạch đối phó phù hợp. Sau khi Thế chiến II kết thúc, Philby được bổ nhiệm làm người đừng đầu cơ quan tình báo Anh tại Thổ Nhĩ Kỳ dưới võ bọc là nhà ngoại giao làm việc tại Lãnh sự quán Anh ở Istanbul.

Giai đoạn này, Philby trợ giúp việc xây dựng mạng lưới điệp viên hoạt động cho Liên Xô. Ông có công lớn trong việc giúp Moscow đánh bại chiến dịch lật đổ những người cộng sản ở Albania của phương Tây.

Năm 1949, Philby được điều động đến Washington làm trưởng đại diện tình báo Anh tại Mỹ. Văn phòng của ông giám sát số lượng lớn các cuộc tiếp xúc bí mật và khẩn cấp giữa Mỹ và Anh. Philby cũng chịu trách nhiệm liên lạc với Cơ quan Tình báo trung ương Mỹ (CIA).

Tại Washington, Philby tiếp quản vị trí của người bạn cũ trong “Cambridge Five” là Donald Maclean từng làm việc tại Đại sứ quán Anh, cũng là điệp viên hai mang cho Liên Xô với mật danh Homer.

Giai đoạn này, James Jesus Angleton, Trưởng Bộ phận phản gián của CIA bắt đầu nghi ngờ Philby nhưng không có bằng chứng cụ thể. Tuy nhiên, mối đe dọa thực sự đối với quá trình hoạt động hai mang của ông bị đưa ra ánh sáng trước đó 4 năm.

Mùa hè năm 1945, một nhân viên điện tín của tình báo Liên Xô đã phạm sai lầm trong quá trình liên lạc, cho phép tình báo phương Tây đánh chặn tín hiệu và tiến hành chiến dịch điều tra mang mật danh “Dự án Venona” về các điệp viên Liên Xô hoạt động ở phương Tây.

Cuộc điều tra trong chiến dịch Venona dẫn đến vai trò của Maclean bị bại lộ, đe dọa nghiêm trọng đến thân phận của Philby. Tuy nhiên, Maclean, cùng với Burgress đã được các điệp viên Liên Xô bí mật di tản sang Moscow khiến cuộc điều tra đi vào ngõ cụt.

Philby được tình báo thế giới đánh giá rất cao vì ông xây dựng vỏ bọc của mình một cách hoàn hảo để hoạt động hai mang liên tục trong hơn 30 năm mà không bị bại lộ. Ông cũng rất tài tình và khéo léo trong việc xóa các dấu vết có thể đe dọa thân phận ông.

Ca ngợi như anh hùng ở Liên Xô

Mạng lưới điều tra hùng hậu của CIA và MI6 không tìm ra bằng chứng cụ thể để buộc tội Philby. Năm 1955, Philby bị sa thải khỏi MI6 cũng như công việc vỏ bọc của ông tại Bộ Ngoại giao Anh. Đây được xem là chiến công vang dội của điệp viên hai mang. Sau khi rời khỏi MI6, Philby cũng cắt đứt liên lạc với tình báo Liên Xô để tránh bị lộ.
 

Bí mật cuộc đời điệp viên hai mang lừng danh của Liên Xô-4
Một số vật dụng của Kim Philby trưng bày tại triển lãm. Ảnh: AFP.


Giai đoạn này ông làm phóng viên cho tạp chí Economist và Observer phụ trách khu vực Trung Đông. Cuối những năm 1950, MI6 lại tuyển dụng ông làm việc để cung cấp thông tin về các hoạt động của tình báo nước ngoài ở Trung Đông.

Tuy nhiên, quá trình hoạt động tình báo của ông lại tiếp tục gặp sự cố. Năm 1961, Anatoliy Golitsyn, một quan chức cấp cao của KGB đào thoát sang Mỹ cung cấp nhiều thông tin quan trọng về các điệp viên phương Tây làm việc cho Liên Xô, trong đó có Philby.

Người ta không rõ Philby có được tình báo Liên Xô cảnh báo hay không nhưng đêm ngày 23/1/1963, Philby biến mất khỏi nơi sinh sống ở Beirut, Lebanon. Tháng 7/1963, cơ quan ngoại giao Liên Xô công bố cho phép Philby tị nạn chính trị và được mang quốc tịch Liên Xô.

MI6 bị chỉ trích dữ dội vì đã để cho Philby trốn sang Liên Xô. Tuy nhiên, có thông tin cho rằng MI6 đã cố tình tạo một khoảng thời gian cho Philby trốn thoát, nhằm tránh bản án công khai đáng xấu hổ về điệp viên hai mang tồn tại gần 30 năm mà không bị phát hiện.
 

Bí mật cuộc đời điệp viên hai mang lừng danh của Liên Xô-5
Mộ của Philby ở Moscow. Ảnh: Reuters. 


Năm 1965, Philby vinh dự được nhận Huân chương Lenin, phần thưởng cao quý cho những đóng góp của ông trong hoạt động tình báo của Liên Xô. Những năm tháng là công dân Liên Xô, Philby viết tự truyện và tiến hành nhiều buổi thuyết giảng về hoạt động tình báo.

Những bài thuyết giảng của Philby góp phần quan trọng trong việc giúp Liên Xô mở rộng mạng lưới tình báo. Philby qua đời ở Moscow vào năm 1988 vì chứng suy tim. Đám tang của ông được tổ chức long trọng như một anh hùng của Liên Xô.
 


Theo Zing


Điệp viên 007 sát thủ

Tin tức mới nhất