Bộ phim Cô Ba Sài Gòn xoay quanh cuộc đời của Như Ý (Ninh Dương Lan Ngọc) – con gái duy nhất của bà chủ tiệm may Thanh Nữ nức tiếng về việc may áo dài. Như Ý nổi tiếng khắp Sài thành vì phong cách thời trang thanh lịch. Cô cũng yêu thích thời trang và mong muốn mở một xưởng may của riêng mình. Tuy nhiên, cô chỉ đam mê với Âu phục mà ghét cay ghét đắng tà áo dài Việt.
Câu chuyện phim giản dị xoay quanh sự thăng trầm của áo dài được khán giả đánh giá cao khi mang đậm hồn dân tộc. Những kiến thức về áo dài được đưa khéo léo vào từng cảnh phim. Không khô khan như những bộ phim tài liệu về một ngành nghề nào đó, tinh hoa về áo dài và những kiến thức thời trang qua các thời kỳ trong Cô Ba Sài Gòn được đưa đến một cách mềm mại và sâu sắc.
Với một bộ phim về thời trang thì yếu tố trang phục được đặt lên hàng đầu, cùng trò chuyện cùng NTK Thủy Nguyễn - người đã thổi hồn cho Cô Ba kiêu kỳ trên phim để hiểu rõ hơn về áo dài!
- Bộ phim "Cô Ba Sài Gòn" đang nhận được nhiều phản ứng tích cực từ khán giả, không ít người đánh giá đây là một bộ phim thời trang hiếm hoi tạo được dấu ấn trong làng phim Việt, là người góp phần không nhỏ cho bộ phim Thủy Nguyễn hẳn sẽ rất hạnh phúc?
Cảm ơn bạn vì câu hỏi. Phải thừa nhận rằng, trong quá trình sản xuất, tôi dù mang nhiều hy vọng nhưng cũng chưa thể chắc chắn 100% về phản ứng của khán giả. Do đó, khi bộ phim ra mắt và nhận được nhiều ý kiến tích cực, không chỉ tôi mà toàn thể đội ngũ làm phim đều rất hạnh phúc.
Cuối cùng thông điệp chúng tôi muốn gửi đến mọi người đã được nghe thấy, được nhìn thấy, được chấp nhận. Đây có thể xem là sự đền đáp xứng đáng cho những ngày sản xuất và hồi hộp chờ đợi vừa qua.
Thủy Nguyễn là NTK luôn đem đến những BST mang đậm giá trị Việt trong từng đường nét thiết kế.
- Ngô Thanh Vân từng chia sẻ, có khoảng gần 200 chiếc áo dài được sử dụng trong toàn bộ phim, đấy là một số lượng không hề nhỏ với sức sáng tạo của một NTK, chị có bị “choáng ngợp” bởi điều đó?
Nếu chỉ có mình tôi, chắc chắn sẽ không thể hoàn thành nhiệm vụ may ra ngần đó áo dài với kích thước khác nhau, thiết kế cũng khác nhau. Đây hoàn toàn là công sức của một tập thể.
Đương nhiên ban đầu có một chút choáng ngợp, mông lung, nhưng nhờ mọi người đều phối hợp với nhau rất ăn ý, thấy chỗ nào chưa hợp nhau thì lập tức nói ra để cùng điều chỉnh nên sự choáng ngợp kia cũng mau chóng qua đi và thay vào đó là sự chăm chỉ, cống hiến toàn tâm toàn ý cho việc sáng tạo và sản xuất.
- Ý tưởng thực hiện những chiếc áo dài trong phim đã được chị ấp ủ và lấy cảm hứng từ đâu?
Ý tưởng của những chiếc áo dài trong phim, đặc biệt là các thiết kế với hoạ tiết gạch bông quen thuộc được truyền cảm hứng từ chính thành phố Sài Gòn và ngôi nhà thân thương một thời của tôi. Có thể xem đây là một nỗi nhớ nhung trìu mến dành cho Hòn Ngọc Viễn Đông của những năm 60 với tinh thần tươi mới, vô cùng tinh tế và sành điệu.
- Việc lột tả được đặc trưng của áo dài những năm 60 mà vẫn mang dáng dấp của Thủy Nguyễn, đấy có phải điều quá khó?
Thực ra khi đã làm công việc sáng tạo là phải chấp nhận biến hóa bản thân và luôn phải làm mới ý tưởng của mình. Khi sản xuất trang phục áo dài những năm 60 cho bộ phim, cái khó không phải là đặt tinh thần của tôi vào các thiết kế.
Vốn dĩ trước giờ tôi luôn được truyền cảm hứng từ những giá trị văn hoá nước nhà, mà khó ở chỗ phải nắm rõ những đặc trưng trang phục của thời kỳ đó và tái hiện chúng giống nhất có thể, vì khi lên phim, khán giả rất tinh ý. Nếu mình làm không đến nơi đến chốn, người xem sẽ nhận ra ngay.
- Với những thiết kế của Thủy Nguyễn, khán giả rất quan tâm đến chi phí mà nhà sản xuất phim đã phải chi trả. Chị có thể bật mí về điều này?
Với bất cứ bộ phim nào tôi tham gia sản xuất trang phục, các thiết kế đều được tạo hình và cho ra đời dựa trên chi phí mà nhà đầu tư đưa ra. Việc linh hoạt trong sản xuất này sẽ giúp quá trình hợp tác giữa các bên dễ dàng hơn, cũng giúp đội ngũ thiết kế hiểu mình cần phải làm những gì. Mọi thứ đều có thể cân chỉnh theo con số mà nhà đầu tư cung cấp.
- Là một người mê đắm áo dài và cũng có con gái giống như Thanh Mai, chị có khi nào chợt buồn vì đôi lúc áo dài bị “thất sủng” trước giới trẻ?
Khi xã hội phát triển và mở cửa cho những nền văn hoá khác, việc giá trị truyền thống có đôi lúc bị mọi người lãng quên, không phải chỉ có giới trẻ, là chuyện có thể hiểu được. Tuy nhiên, thay vì chỉ buồn phiền về những gì đang xảy ra, tôi chọn cách dành thời gian của mình để tô điểm và nhấn mạnh những gì thuộc về dân tộc mình để giúp mọi người có nhiều lựa chọn hơn khi nhắc đến hai chữ “truyền thống”.
Một thời gian trước khi ra mắt các thiết kế áo dài Gấm, Thuy Design House đã nhận được những phản hồi rất tích cực từ mọi người ở nhiều lứa tuổi. Sau đó, thiết kế áo dài hai tà cũng được giới mộ điệu ưu ái, dành nhiều tình cảm đến tận bây giờ.
Điều này chứng tỏ, áo dài đang dần khẳng định vị thế của mình trên con đường trở lại thời hoàng kim. Đây là dấu hiệu đáng mừng nên không có gì phải buồn cả.
Áo dài ngày càng được yêu thích trong nhiều dịp.
- Nhờ thành công của "Cô Ba Sài Gòn", nhiều người cho rằng thay vì diện áo dài cách tân như năm ngoái, chị em lại xúng xính áo dài gạch bông của Thủy Nguyễn, chị nghĩ sao về nhận xét này?
Cho dù là diện áo dài gạch bông hay áo dài cách tân thì tôi đều hạnh phúc vì cuối cùng, áo dài đã trở lại gần gũi với mọi người hơn. Đây là mục tiêu lớn nhất của tôi khi làm ra chiếc áo dài, cho dù là dưới bất kỳ form dáng, hoạ tiết nào.
Điều này cũng cho thấy áo dài dù là lâu đời nhưng vẫn có thể liên tục được đổi mới, không bao giờ lỗi thời nên các chị em không phải lo diện áo dài bị... cũ.
Với sự sáng tạo, vận dụng những giá trị cũ và tư duy thiết kế của của các NTK, áo dài ngày càng mang nhiều sức hấp dẫn đối với chị em.
- Với sức ảnh hưởng và độ phủ sóng rộng rãi trên truyền thông, nếu xuất hiện những thiết kế đạo nhái tác phẩm áo dài của chị thực hiện trên phim, chị sẽ xử lý ra sao?
Tôi không thể ngăn cản mọi người làm việc của mình được. Mọi người có để ý đến phim, đến các thiết kế thì phim mới có thành công. Tôi chỉ mong, các bạn dù có thực hiện chiếc áo dài như thế nào thì cũng đều nên làm đúng 5 bước để người mặc có được sản phẩm trọn vẹn, vừa ý. Vậy 5 bước đó là 5 bước nào, mời các bạn xem Cô Ba Sài Gòn sẽ rõ ngay.
- Là một người mê đắm và sống hết mình với áo dài, chị có gì muốn nhắn nhủ đến những cô nàng “sính ngoại”?
Mỗi người có một sở thích khác nhau, tôi khác, bạn khác nên tôi không thể đưa ra lời khuyên phù hợp với suy nghĩ và làm hài lòng tất cả mọi người được. Tuy nhiên nếu có thể, bạn đừng quên Việt Nam ta vẫn có rất nhiều giá trị văn hoá không chỉ đẹp mà còn có tính ứng dụng cao, luôn có thể cùng bạn sánh bước đi bất cứ đâu, dù hoà nhập vẫn không hoà tan bạn nhé.
- Giờ có nhà sản xuất muốn hợp tác với chị trong một bộ phim khác, chị tính sao?
Đương nhiên là tôi rất vui nếu có thể trở thành một phần của bộ phim và đóng góp sự sáng tạo cho nền nghệ thuật nước nhà. Tuy vậy, việc họp mặt và trao đổi rõ ràng về mong muốn của nhà sản xuất khi cùng cộng tác là rất quan trọng.
Dù bản thân tôi luôn muốn tham gia nhiều dự án nghệ thuật nhưng tôi cũng hiểu sức người có hạn nên phải suy tính thật kỹ lưỡng trước khi đồng ý bắt tay vào làm bất cứ thứ gì, không chỉ riêng nhiệm vụ sản xuất trang phục cho phim.
Theo Khám Phá