Để hoàn thành xuất sắc bộ phim Tây du ký 1986, đoàn làm phim đã nghĩ ra đủ cách để có thể khắc phục được sự “nghèo nàn” về đạo cụ thuở đó. Từ đây, có không ít cảnh hài hước, bí mật khi tiết lộ có thể gây bất ngờ cho khán giả.
Đáng nói, trong tập 15, ở tình huống ba yêu đạo cầu xin ba vị Tam Thanh “rởm” ban cho “nước thánh” và rồi mới phát hiện đó chính là nước tiểu của Ngộ Không và Bát Giới. Bản chất chi tiết này rất hài hước nhưng khi biết rõ “nước thánh” được sử dụng ở đây là gì khán giả lại càng bất ngờ hơn.
Trên thực tế, đội ngũ đạo cụ khi chuẩn bị đã định sử dụng nước có ga, thế nhưng trong quá trình quay, phó đạo diễn Nhiệm Phượng Pha đã đề xuất sử dụng bia hơi làm nước tiểu. Theo phó đạo diễn Nhiệm nước bia vừa có màu sắc vàng và lớp bọt gần giống với nước tiểu.
Đề xuất này ngay lập tức được đạo diễn tán thành, kết quả là cho ra cảnh quay đúng như ý muốn, cả đoàn phim đều ồ lên cười. Tuy vậy, khi mọi người cười xong rồi thì toàn bộ nhân viên trong đoàn không ai còn dám uống loại bia trong bình vốn được coi là nước thánh kia nữa, bởi cả đoàn cứ nghĩ đến thứ bọt của bia vốn là nước đái của khỉ và lợn.
Cảnh uống "nước thánh" kinh điển trong Tây du ký 1986.
Sở dĩ Tây du ký 1986 có nhiều cảnh "lừa" đẹp khán giả là bởi thời điểm khởi quay có vốn đầu tư là 6 triệu NDT. Đây tuy là một số tiền rất lớn lúc đó nhưng không đủ để trang trải cho cả bộ phim. Các diễn viên thậm chí chỉ nhận được một khoản thù lao tượng trưng và ít ỏi.
"Vật chất thiếu thốn nghèo nàn, đến cả cơm cũng ăn không đủ no", đạo diễn Dương Khiết chia sẻ về tình cảnh của đoàn phim những năm 1980.
Theo thông tin đươc biết, để tìm được những bối cảnh phù hợp với yêu cầu của kịch bản, đạo diễn Dương Khiết và đoàn làm phim đã phải đi qua hơn 26 tỉnh thành của Trung Quốc, nhiều lần gặp phải tai nạn nguy hiểm.
Kinh phí quá hạn hẹp khiến cả đoàn phim phải cố gắng tiết kiệm tối đa, để dành tiền cho giai đoạn hậu kỳ, làm kỹ xảo… Mỗi nhân viên, và diễn viên chỉ được phát 5 hào tiền ăn vặt. Người có thù lao cao nhất thời điểm đó là Lục Tiểu Linh Đồng (vai Tôn Ngộ Không) cũng chỉ có 100 NDT (hơn 340.000 đồng) mỗi tập.
Không chỉ thiếu thốn về kinh phí, đoàn làm phim còn thiếu cả nhân lực. Vì thế, các diễn viên đôi lúc sẽ phải phụ khuân vác trong khi nhân viên hậu trường được huy động xuất hiện trước ống kính nếu thiếu diễn viên.
Hình ảnh thầy trò Đường Tăng trong Tây du ký 1986 in sâu vào tiềm thức nhiều khán giả.
"Khó khăn là thế, nhưng Tây du ký 1986 vẫn thu hút rất nhiều nghệ sĩ, trong đó có cả những tên tuổi lớn của điện ảnh Trung Quốc thời bấy giờ tham gia một cách nhiệt tình, không quản thù lao cao thấp,” Đường Kế Toàn – nhiếp ảnh phim trường kiêm phụ quay cho hay.
Sau thành công của Tây du ký 1986, cuộc đua chuyển thể tác phẩm Tây du ký của tác giả Ngô Thừa Ân chính thức bắt đầu tại Trung Quốc suốt hơn 3 thập kỷ qua. Mỗi năm đều có ít nhất một tác phẩm làm lại từ tiểu thuyết kinh điển của tác giả Ngô Thừa Ân, số lượng lên đến hàng trăm phim.
Tuy nhiên, mỗi bộ phim truyền hình hay điện ảnh được làm ra không còn gói gọn về hành trình đi thỉnh kinh của bốn thầy trò Đường Tăng, mà tập trung khai thác các lát cắt mới lạ, xoáy sâu vào số phận, câu chuyện cuộc đời hay mối quan hệ riêng rẽ của nhân vật. Dù vậy, Tây du ký “đời sau” vẫn giữ nguyên tư tưởng hướng thiện, kết thúc có hậu theo đúng tiểu thuyết gốc.
Một số bộ phim nổi tiếng có thể kể đến như Mối tình ngoại truyện (2014) của Châu Tinh Trì, Tây du ký: Đại náo thiên cung (2014) hay Tây du ký: Nữ Nhi quốc (2018).
Thế nhưng, điều đáng nói là, dù các nhà sản xuất làm theo hướng mới, chọn một tình huống “đắt giá” để phát triển thành bộ phim độc lập, đồng thời sử dụng nhiều kỹ xảo hiện đại nhưng vẫn không thể thay thế được vị trí của Tây du ký 1986 trong lòng khán giả.
Theo Người đưa tin