Trao nhầm con - nỗi ám ảnh của nhiều ông bố bà mẹ mới lên chức. Nhiều cặp đôi đã nuôi nấng con của người khác tới vài năm, thậm chí vài chục năm mới phát hiện ra con mình bị thất lạc. Không phải ai cũng may mắn tìm lại được con đẻ nhanh chóng sau khi phát hiện bệnh viện trao nhầm con.
Có những cặp đôi khi tìm lại được con mình, lại phải đấu tranh tư tưởng với quyết định nên hay không nhận lại con mình đứt ruột sinh ra. Dù cho là đứa bé mình mang nặng đẻ đau hay đứa trẻ mình nuôi nấng, chăm bẵm bằng chính dòng sữa của mình, thì với các ông bố, bà mẹ chúng đều là con mình.
Trao nhầm con, nỗi ám ảnh của nhiều cặp vợ chồng
Trường hợp của 2 vợ chồng anh Cheng Chengfei và Li Linquan ở Trung Quốc là một trong số đó. 30 năm trước, họ đã phải trải qua quãng thời gian vô cùng khó khăn khi nhận ra con trai mình bị hoán đổi, và phải đối mặt với sự lựa chọn không hề dễ dàng gì: Chọn con đẻ hay đứa con bị trao nhầm?
Cuối cùng, 2 cặp đôi đều thống nhất một quyết định không ai ngờ: Nuôi nấng đứa trẻ không phải con mình đứt ruột đẻ ra. Để rồi, giờ đây, đại gia đình của hai đứa trẻ ấy đều hạnh phúc và hài lòng với lựa chọn ấy.
"Switch at birth" - Sự tráo đổi số phận
Tháng 10/1983, cô Ji Guohua (vợ anh Cheng Chengfei) và cô Luo Suhui (vợ anh Li Linqua) đều hạ sinh một bé trai kháu khỉnh ở bệnh viện Nhân dân Suichang, tỉnh Chiết Giang, Trung Quốc. Thế nhưng, y tá đã trao nhầm con cho họ.
Hai cặp đôi đã nuôi con của nhau trong vòng 4 năm, tới tháng 4/1987 họ mới phát hiện con mình bị trao nhầm. Cậu bé Li Hui là con đẻ của vợ chồng Chengfei được gia đình Li Linqua nuôi nấng. Trong khi đó, cậu bé Cheng Wenjian là con đẻ của Linqua được Chengfei nuôi nấng.
Hai cậu bé - con trai của hai vợ chồng Chengfei và Linqua bị trao nhầm sau khi sinh
Anh Cheng Chengfei chia sẻ: "Thằng bé càng lớn càng không giống tôi hay vợ tôi. Mọi người ai cũng nhận ra điều đó".
Câu chuyện có lẽ chỉ dừng lại ở đó, nếu không có ngày gia đình cô Ji Guohua bất chợt nhìn thấy một bé trai giống anh Chengfei ở trường mẫu giáo. Chị dâu của cô Ji Guohua là giáo viên dạy trẻ tại trường mẫu giáo nơi bé trai được gia đình Linqua chăm sóc, đã nói với Guohua rằng: "Thằng bé rất giống Chengfei".
Sau đó, cô Guohua đã tới trường và vô cùng ngạc nhiên khi nhìn thấy bé trai giống chồng mình tới vậy. Tạp chí Nine dẫn lời chị Guohua khi kể về lần đầu trông thấy bé trai ở trường mẫu giáo: "Đó đúng là con trai tôi!".
Cậu bé Chengli Hui được cha Li Linqua và mẹ Luo Suhui chăm sóc
Khi hai gia đình liên lạc với nhau và xét nghiện ADN, kết quả cho thấy con trai họ đã bị nhân viên y tế trao nhầm. Về sau, bệnh viện Nhân dân Suichang chỉ bồi thường cho gia đình họ gần 200 đô (khoảng hơn 4 triệu đồng).
Từ khi đó, tên của 2 bé trai cũng được thay đổi. Li Hui được đổi tên thành Chengli Hui còn Cheng Wenjian đổi thành Licheng Jian.
Thế nhưng, nỗi đau vẫn chưa nguôi...
"Con đẻ hay con nuôi?", sự lựa chọn nào cũng đau đớn...
4 năm nuôi con của người khác bằng dòng sữa của mình, cũng từng ấy năm yêu thương, chăm bẵm con người khác như con mình đâu phải muốn dứt là bỏ được?
Dù cho hai vợ chồng Chengfei và Linquan biết con trai mình bị trao nhầm, nhưng họ vẫn không thể "một sớm một chiều" đưa ra quyết định nhận lại con đẻ. 4 người họ đã đau đớn, dằn vặt suốt một quãng thời gian dài sau đó chỉ để cân nhắc có nên nhận lại con ruột hay tiếp tục nuôi nấng đứa trẻ mình đã chăm sóc 4 năm qua.
Chengli Hui và Licheng Jian trở nên thân thiết sau khi gia đình biết bị trao nhầm con
Anh Chengfei chia sẻ rằng: "Lý trí mách bảo tôi rằng tôi cần nhận lại đứa con ruột. Nhưng vợ tôi không thể. Cô ấy đã yêu thương, chăm bẵm Licheng như con trai mình".
Cuối cùng, cặp đôi Chengfei và Linquan quyết định giữ lại đứa bé bị trao nhầm, tiếp tục nuôi nấng cho đến khi chúng trưởng thành. Sau đó, hai đứa trẻ có thể tự quyết định chọn sống với cha mẹ ruột hay cha mẹ nuôi.
Cũng từ đó, cả hai gia đình Chengfei và Linquan đều coi nhau như người nhà, yêu thương chăm sóc hai cậu con trai không phân biệt con nuôi vè con đẻ.
Sau sự cố nhầm lần, gia đình 2 bên trở nên gắn bó. Họ quyết định giữ lại đứa bé bị trao nhầm để tiếp tục nuôi nấng
Tạp chí Mirror dẫn lời cậu con trai Licheng, nay đã 34 tuổi: "Chuyện của gia đình tôi tưởng chừng chỉ có trên phim. Đôi khi tôi tự hỏi liệu giờ đây mình sẽ ra sao nếu ngày xưa bệnh viện không trao nhầm con, và nếu cha mẹ tôi không quyết định nuôi nấng đứa con bị trao nhầm này?".
Chengli Hui, 34 tuổi cho rằng việc trao nhầm con năm xưa là điều may mắn
Licheng Jian biết ơn sự lựa chọn của 2 cha mẹ, đã khiến họ có cuộc sống hạnh phúc và một gia đình lớn như ngày hôm nay
Chengli Hui và Licheng Jian lớn lên trong đại gia đình, có tới hai người cha và hai người mẹ. Cả hai người đều thấy hạnh phúc với cuộc sống này. Với họ, sự nhầm lẫn của bệnh viện 34 năm trước là một điều may mắn. Hơn hết, sự lựa chọn của hai ông bố bà mẹ mới thực sự là yếu tố quan trọng thay đổi cuộc đời họ.
(Mirror, Nine.com.au)
Mộc
Theo Vietnamnet